MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầm Phú Gia, Phước Tượng sẽ đóng cửa 1 phần trong gần 2 tháng sửa chữa, các phương tiện phải đi đèo cũ, nhưng phí BOT qua các hầm này không được giảm. Ảnh: TH

Phải đi đèo cũ khi sửa hầm Phú Gia, Phước Tượng nhưng phí BOT không giảm

Thanh Hải LDO | 16/03/2022 10:41

Theo kế hoạch, từ hôm nay - 16.3 đến ngày 29.4, nhà đầu tư BOT bắt đầu sửa chữa, cấm một phần hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng (TT-Huế), lưu thông Bắc - Nam trên QL1A phải đi qua 2 đèo cũ, nhưng phí BOT thì nhà đầu tư vẫn thu đủ...

Thông báo của Tập đoàn Đèo Cả, bắt đầu từ ngày 16.3 đến ngày 29.4 sẽ sửa chữa trung tu cầu trên đường dẫn hầm Phước Tượng và sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường bê tông xi măng trong hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia trên QL1A, thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, TT-Huế.

Theo đó, Đơn vị Quản lý vận hành sẽ đóng một làn đường trong quá trình thi công. Nên, từ ngày 16.3 đến ngày 29.4.2022, các phương tiện lưu thông từ Nam ra Bắc sẽ phải đi qua đường đèo Phước Tượng cũ. Lưu thông chiều từ Bắc vào Nam vẫn đi 1 làn qua hầm Phước Tượng, hầm Phú Gia như bình thường.

Từ ngày 9.4 đến ngày 29.4.2022, thì các phương tiện lưu thông từ Nam ra Bắc sẽ phải qua đường Đèo Phú Gia. Chiều từ Bắc vào Nam vẫn di chuyển 1 làn qua hầm Phước Tượng và hầm Phú Gia như bình thường.

Như vậy, trong gần 2 tháng sửa chữa cầu đường dẫn, trung tu hầm, các phương tiện, người dân lưu thông từ Nam ra Bắc phải lần lượt qua ít nhất 1 đèo Phú Gia, hoặc Phước Tượng theo 2 thời điểm như thông báo trên.

Đây là việc phân luồng tất yếu để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, sửa chữa hầm, đã được Cục Quản lý đường bộ II cấp phép.

Nhưng, điều đáng nói là Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị khai thác, thu phí các dự án BOT qua các hầm này lại không giảm tiền thu phí qua hầm trong thời gian gần 2 tháng không cung cấp đủ dịch vụ qua 2 hầm này. Phải đi qua đèo, đương nhiên các phương tiện đều bị tăng cả thời gian, chi phí, nhiên liệu và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn... như lúc chưa có các hầm đường bộ. Nhưng vì sao họ không được giảm tiền phí BOT? 

Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này vẫn còn quy định không được đặt 2 trạm BOT đường bộ cách nhau dưới 70km. Trong khi đó, đoạn đường từ Huế vào Đà Nẵng hơn 80km, đã có trạm BOT Phú Bài ở giữa (thu phí cho dự án đường tránh Huế).

Vì vậy, để tránh vi phạm đặt 2 trạm dưới 70km, từ năm 2016, nhà đầu tư dự án 2 hầm đường bộ Phú Gia, Phước Tượng đã xin tận dụng trạm BOT Bắc Hải Vân để thu phí.

Từ tháng 9.2019, khi nhà đầu tư Đèo Cả mới thi công, mở rộng hầm lánh nạn Hải Vân thành hầm đường bộ Hải Vân 2 chưa xong thì đã xin thu phí BOT.

Vì hầm Hải Vân chỉ cách hầm Phú Gia, Phước Tượng 12km, lại vi phạm quy định khoảng cách như nói trên, nên Tập đoàn Đèo Cả xin được thu phí ghép với dự án hầm Phú Gia, Phước Tượng tại trạm Bắc Hải Vân - tức, thu chung 3 hầm vào 1 trạm BOT để "lách" luật.

Từ đó, phí đường bộ qua trạm BOT Bắc Hải Vân có mức từ 110.000-280.000đồng/lượt, cao hơn gấp 3 lần so với trạm BOT thường nơi khác.

Trả lời phản ứng của dân khi tăng phí BOT Hải Vân (thời điểm 1.5.2021), lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, các hầm này không phải trên tuyến độc đạo nên các phương tiện có nhiều sự lựa chọn để lưu thông, hoặc đi đường đèo không mất phí, hoặc di chuyển cao tốc La Sơn - Túy Loan sắp đi vào vận hành. 

Nhưng nay, khi nhà đầu tư BOT sửa chữa, cấm hầm Phú Gia, Phước Tượng, phân luồng giao thông đi qua 2 đèo cũ, thì phí BOT vẫn bị Tập đoàn Đèo Cả thu đủ.

Lại thêm một bất công về phí BOT trên QL1A mà người dân phải oan uổng gánh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn