MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trụ sở Đảng ủy, HĐNĐ, Ủy ban Nhân dân xã Thanh Nga, Phú Thọ cũ có diện tích rộng lớn đang không sử dụng, bỏ hoang sau hơn 2 năm thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Tô Công

Phú Thọ chỉ đạo xử lý những công sở bỏ hoang sau sáp nhập xã

Tô Công LDO | 19/04/2023 08:21

Trước tình trạng nhiều trụ sở xã tại tỉnh Phú Thọ đang không được sử dụng, bỏ hoang sau hơn 2 năm tỉnh này hoàn thành công tác sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã,   UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, khắc phục những tồn tại nêu trên.

Như Báo Lao Động đã thông tin, bộ máy công quyền của 28 ĐVHC cấp xã mới tại tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập đã chính thức hoạt động từ ngày 2.1.2020. Phú Thọ giữ nguyên 13 ĐVHC cấp huyện, sáp nhập 80 ĐVHC cấp xã thành 28 ĐVHC mới, giảm 52 đơn vị.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Lao Động, hiện nay một số trụ sở xã cũ đã được tận dụng để làm điểm giao dịch ngân hàng, chợ tạm, xây dựng trường học... Nhưng, nhiều trụ sở vẫn trong tình trạng bỏ hoang gây lãng phí.

Đã vậy, lại có những trụ sở xã mới sau sáp nhập chật chội, thiếu không gian làm việc. Điển hình là tại xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, trong khi hai trụ sở cũ sau sáp nhập của xã này đang bỏ hoang, thì tại phòng Địa chính, phòng Văn hóa - Thông tin của trụ sở xã Tu Vũ mới đang phải "nhồi nhét" nhiều người trong một phòng, thiếu không gian làm việc cho cán bộ, thiếu cả chỗ ngồi cho người dân...

Về thực trạng trên, mới đây đoàn giám sát của HĐND tỉnh Phú Thọ do ông Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn - có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện quản lý tổ chức bộ máy, công tác quản lý, sử dụng đất và tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực vào cuộc, tổ chức sắp xếp bộ máy và xử lý các cơ sở nhà, đất sau sắp xếp, sáp nhập. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai cũng còn gặp một số khó khăn, nhất là triển khai thực hiện phương án xử lý tài sản là trụ sở của một số UBND cấp xã, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập…

Theo ông Quang, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiên cứu, có những giải pháp, phương án cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại nhằm tiếp tục tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương phải tính toán thật kỹ các phương án, lựa chọn thời điểm sắp xếp cho phù hợp, lưu ý đối với những địa phương có tính chất đặc thù, riêng biệt. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, xây dựng Đề án để việc triển khai thực hiện được tập trung, thống nhất và đạt kết quả tốt.

Trên cơ sở phân tích một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, ông Bùi Minh Châu - Bí thư Tỉnh ủy - yêu cầu, đối với công tác quản lý, sử dụng đất và tài sản của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập, lưu ý cần hạn chế tối đa việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và không được cho thuê các cơ sở nhà, đất. Các huyện, thành, thị cần nghiên cứu phương án để giao cho các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, phục vụ nhu cầu chung của cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn