MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục Nghệ thuật Biểu diễn vào cuộc liên quan đến MV u tối của Sơn Tùng. Ảnh: Chụp màn hình

Phút thứ 3,33 “nhảy lầu” của Sơn Tùng M-TP và thông điệp cực đoan

LÊ PHI LONG LDO | 29/04/2022 19:00

Chỉ chưa đầy 1 ngày ra mắt, MV "There's No One At All" của ca sỹ Sơn Tùng M-TP đã gây bức xúc cho dư luận vì bị cho là thông điệp cực đoan và sự nguy hại đối với giới trẻ với hình ảnh một chàng trai tự tử ở cuối MV.

Diễn biến mới nhất, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã vào cuộc, gửi công văn đến cho các cơ quan liên quan để xử lý việc này theo hướng tạm dừng phổ biến.

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình cho rằng, "về quan điểm, nếu đây là nội dung cổ suý, tác động đến giới trẻ về hành vi tiêu cực thì cơ quan quản lý sẽ vào cuộc và yêu cầu chấm dứt ngay tức khắc, không thể lan truyền những nội dung như vậy. Nếu như đúng là có nội dung về cổ súy tự tử, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu gỡ ngay video từ các nền tảng phát hành".

Nội dung của MV kể về một em bé mồ côi, lớn lên từ cô nhi viện. Do không nhận được sự yêu thương của gia đình nên đứa trẻ trở nên hư hỏng và thường xuyên gây rối, quấy phá, chống đối xã hội. Suốt MV là hình ảnh chàng trai cô độc, bị đuổi đánh, xã hội xa lánh.

Trong MV, cậu bé không biểu hiện qua lời nói, nhưng nội tâm gào thét, đau đớn; và cuối cùng, ở phút thứ 3,33 giây trong MV, cậu bé lựa chọn kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhảy lầu tự vẫn - Đó là cái kết ám ảnh. Và đây chính là hình ảnh bị chỉ trích dữ dội của dư luận.

Chỉ trích là đúng, vì hình ảnh trên cổ vũ cho cách sống cực đoan, tiêu cực. 

Có thể Sơn Tùng muốn dùng âm nhạc để nói lên những góc khuất của cuộc sống, về những nỗi niềm của những mảnh đời không được trọn vẹn, nhưng cách thể hiện như vậy không phù hợp với cách nhìn nhận của đại đa số dư luận. 

Sau khi xem hình ảnh ở phút thứ 3,33 giây của Sơn Tùng M-TP, hãy chú ý đến các con số này: Chỉ khoảng nửa tháng qua, báo chí đưa tin ở nước ta có đến 5 trẻ em tự tử; theo Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, ở Việt Nam, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở trẻ 10-19 tuổi. Nghiên cứu trong nhóm 15-24 tuổi, tỉ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát là 2,3%.

Nên nhớ rằng, Sơn Tùng M-TP là thần tượng của giới trẻ hiện nay, vậy nên, những MV và hành động của Sơn Tùng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, hành vi của giới trẻ. 

Theo các nhà khoa học, thì hành vi có tính lây lan (còn gọi là hiệu ứng Werther). 

"Hiệu ứng Werther" được đặt theo tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết "Những Nỗi Buồn Của Werther Thời Trẻ" của Johann Wolfgang von Goethe. 

Thuật ngữ này để mô tả hiện tượng con người có xu hướng sao chép hành vi - dù là lành mạnh hay phá hoại. Bắt chước tự tử là một ví dụ về một trong những hình thức cực đoan nhất của nó.

Âm nhạc là liều thuốc tinh thần cho đời sống con người, nhưng lịch sử đã cho thấy, trên thế giới đã có những bài hát “ma ám”, gây ra những hiện tượng bí ẩn và những cái chết vì tự sát, trong đó có ca khúc Gloomy Sunday - “Ngày Chủ Nhật u sầu” đã gây hoang mang dư luận trong một thời gian dài. 

Ra đời vào thập niên 1930, ca khúc Gloomy Sunday đã liên quan trực tiếp đến cái chết của hơn 100 người.

Nghệ thuật nói chung, có những tình tiết phải hư cấu và cũng đừng quá khắt khe với nghệ thuật. Tuy nhiên, hư cấu theo hướng cực đoan, truyền tải thông điệp tiêu cực là một sự nguy hại rất lớn, nhất là đối với giới trẻ hiện nay.

Vì vậy, hãy lên tiếng, hãy loại trừ ngay việc cổ súy cho các hành vi tiêu cực; vì thế hệ trẻ, vì xã hội và vì cộng đồng chúng ta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn