MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Slogan "đã uống rượu bia thì không lái xe" đang dần đi vào đời sống. Ảnh: Tô Thế

Slogan uống rượu bia thì không lái xe thực sự vào đời sống

Tường Minh LDO | 22/08/2024 10:31

Slogan “đã uống rượu bia thì không lái xe” đang thực sự đi vào cuộc sống với việc người dân ngày càng có ý thức cao hơn trong việc tuân thủ quy định.

Hôm qua, trên Báo Lao Động có một cái tít rất thú vị là “CSGT “vẫy” mỏi tay chỉ phát hiện 2 người dính nồng độ cồn”.

Bài báo kể chuyện Tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 10, Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn ở một nút giao thông trên địa bàn thành phố.

Và tính hiệu tích cực là sau 30 phút kiểm tra chủ yếu là người điều khiển phương tiện xe máy với hơn 40 người, nhưng chỉ có 2 người dính nồng độ cồn dưới 0,25mlg/lít khí thở. Trong khi thời gian trước đó, đây là nhóm đối tượng có tỉ lệ vi phạm nồng độ cồn nhiều nhất.

Tin vui nữa, theo Đại úy Nguyễn Anh Đức, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 10 thì thời gian gần đây, lượng người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã giảm rất mạnh, đặc biệt là với người điều khiển xe ôtô.

Điều này cho thấy Luật An toàn giao thông đường bộ mới, với slogan "đã uống rượu bia thì không lái xe" đang từng bước đi vào cuộc sống, trước hết là ở Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt là việc Chính phủ đã quyết liệt triển khai các biện pháp mạnh tay như tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc, tuyên truyền giáo dục sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc lái xe khi có nồng độ cồn trong máu... thời gian qua đã phát huy hiệu quả.

Liệu sự chuyển biến này có phải là kết quả của những chiến dịch mạnh mẽ gần đây, hay chỉ là sự nhất thời do sợ bị phạt nặng?

Làm thế nào để duy trì và phát huy hiệu quả của việc tuân thủ luật giao thông trong dài hạn, để nó không trở thành một phong trào thoáng qua mà phải là một nếp sống văn hóa trong cộng đồng?

Câu trả lời nằm ở việc xây dựng một nền văn hóa giao thông bền vững. Điều này đòi hỏi không chỉ sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc duy trì các biện pháp kiểm tra, giám sát, mà còn cần sự hợp tác tích cực từ phía cộng đồng.

Tuyên truyền, giáo dục về ý thức giao thông phải được thực hiện liên tục và sâu rộng, đặc biệt là trong môi trường gia đình và nhà trường, để từng người dân, từng thế hệ kế thừa đều nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông.

Cuối cùng, một nền văn hóa giao thông an toàn và văn minh không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ quy định về nồng độ cồn mà còn bao hàm cả sự tôn trọng các quy định khác như tốc độ, làn đường, và tín hiệu giao thông. Sự tuân thủ toàn diện này mới là nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội an toàn, nơi mỗi chuyến đi đều là một hành trình bình yên.

Việc CSGT "vẫy" mỏi tay nhưng chỉ phát hiện được hai trường hợp vi phạm nồng độ cồn là một ví dụ đáng tự hào. Nhưng để giữ vững và có thêm nhiều ví dụ như thế này ở hầu khắp cả nước, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực không ngừng để biến việc tuân thủ luật giao thông trở thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa của mỗi người dân!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn