MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần đáp ứng nguyện vọng của người lao động

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 11/04/2023 19:22

Câu chuyện nhiều người lao động chầu chực, nằm ngủ trước cổng các cơ quan bảo hiểm xã hội để chờ làm thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội xảy ra thời gian gần đây đã không còn là chuyện mới, chuyện hiếm nữa. 

Thực tế cho thấy, nhiều người lao động nghỉ việc, sau đó làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một phần là do cuộc sống quá khó khăn, không còn cách lựa chọn nào khác hơn. Việc họ rút tiền đã tham gia bảo hiểm xã hội trong nhiều năm tham gia là việc chẳng đặng đừng nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt sau một năm lâm vào tình cảnh thất nghiệp. 

Ngoài ra, rất nhiều trường hợp người lao động quyết định "gặt lúa non", rút tiền bảo hiểm xã hội một lần là do tâm lý bất an, lo lắng có sự thay đổi lớn về chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách lao động, làm ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng về sau. 

Gần đây nhất, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung đang lấy ý kiến đóng góp theo hướng không cho rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiến tới hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động chỉ được rút 50% thời gian tham gia đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, 50% còn lại bảo lưu, chờ tới khi đủ tuổi nghỉ hưu trí để được hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, hiện nay nguyện vọng của đa số người lao động là mong được giảm độ tuổi nghỉ hưu, nhất là đối với người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thế nhưng, qua các lần tiến hành sửa đổi, bổ sung các luật như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu của người lao động không kéo giảm mà ngược lại tăng thêm. Điều đó đã phần nào khiến nhiều người lao động, nhất là đối tượng lao động trực tiếp lao động sản xuất thất vọng. Nhiều người phải kéo dài thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, kéo dài độ tuổi nghỉ hưu trong khi sức khỏe không còn hoặc không thể đảm bảo tiếp tục công việc. 

Thiết nghĩ, để giữ chân người lao động, nhất là đối tượng người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trụ lại với hệ thống an sinh xã hội, trụ lại với chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, việc sửa đổi, bổ sung những chính sách pháp luật liên quan đến người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động cần phải được nghiên cứu toàn diện, thấu đáo, đáp ứng đầy đủ nguyện vọng cũng như mong muốn của người lao động. 

Thực tế đã cho thấy, bất cứ một chính sách pháp luật nào, nhất là Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội khi tiến hành sửa đổi, bổ sung cần phải đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của đại đa số người lao động, nguyện vọng của người tham gia bảo hiểm xã hội. Khi chính sách đi ngược lại với nguyện vọng, quyền lợi số đông của người lao động, người tham gia chắc chắn sẽ phát sinh những bất cập, thậm chí đó là những bất an của người tham gia bảo hiểm xã hội và nhận những phản ứng không như mong muốn. 

Ngoài ra, việc nhanh chóng, nghiên cứu, đánh giá và kéo giảm độ tuổi nghỉ hưu, độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội để về hưu của người lao động cũng là cách, là mong muốn của hầu hết người lao động hiện nay.

Một khi nguyện vọng, mong muốn của đa số người lao động được tiếp thu, được lắng nghe và được sửa đổi, bổ sung, được điều chỉnh bằng những quy định của pháp luật có liên quan, chắc chắn họ sẽ trụ lại, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn