MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả tác nghiệp, thực hiện việc dẫn hiện trường tại công trường thi công đường dây 500kV mạch 3 (qua địa bàn huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vào tháng 6.2024. Ảnh: QUÁCH DU

Tác nghiệp qua miền bão gió

QUÁCH DU LDO | 16/08/2024 15:12

Là phóng viên Báo Lao Động trong nhiều năm qua, tôi được đi và đến nhiều nơi, được tiếp cận với nhiều người, nhiều hoàn cảnh ở khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong mỗi chuyên đi ấy, đều đọng lại trong tôi những câu chuyện, ký ức về những phận người trong khốn khó… Đến tận bây giờ mỗi khi nhắc lại tôi vẫn chẳng thể nào quên.

Ký ức về trận lũ kinh hoàng

Gần 5 năm trước, vào sáng sớm ngày 3.8.2019, trận lũ quét kinh hoàng bất ngờ ập tới bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), khiến nhiều người dân trong bản không kịp trở tay. Hậu quả hàng chục ngôi nhà và 15 người trong bản bị cuốn trôi, trận lũ quét đã “biến” một bản làng yên bình bao đời nay, trở thành “vùng đất chết”.

Là phóng viên Báo Lao Động thường trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sau khi nhận được thông tin trên, việc đầu tiên tôi làm là cập nhật thông tin về sự việc và gửi đến tòa soạn để đăng tải. Tiếp đó, khẩn trương thu dọn quần áo, trang thiết bị máy móc sẵn sàng lên đường.

Tôi vẫn còn nhớ, thời tiết ngày hôm ấy trời mưa như trút, tôi cùng vài anh em đồng nghiệp đã phải chạy xe máy gần 200km từ TP Thanh Hóa đến thị trấn huyện biên giới Quan Sơn. Đến nơi trời đã bắt đầu tối, nhóm chúng tôi quyết định thuê nhà nghỉ để ở tạm trước khi tìm vào xã Na Mèo (cách thị trấn Quan Sơn khoảng 60km). Rạng sáng ngày 4.8.2019, nhóm phóng viên chúng tôi, 2 người trên một chiếc xe máy thẳng tiến vào xã Na Mèo, nơi đang chìm trong đau thương, mất mát.

Chớm xã Na Mèo, những con đường trơn trượt khiến chiếc xe của chúng tôi không thể "tuân lệnh" và trượt ngã liên hồi. Sau quãng đường vật lộn, điểm chúng tôi đến đầu tiên là bản Bo Hiềng (nơi giáp ranh với bản Sa Ná). Tại đây dòng sông Luồng hung dữ, cuồn cuộn chảy khiến bước chân của anh em chúng tôi dừng lại.

Sau khi hỏi thăm người dân bản địa mới rõ, con đường duy nhất có thể vào bản Sa Ná lúc này là đi vòng đường rừng, tuy nhiên quãng đường dài cả chục cây số và phải trèo đèo lội suối. Với quyết tâm tiếp cận bản bằng mọi giá, chúng tôi được 2 người dân bản địa nhận giúp dẫn vào bản bằng con đường rừng. Con đường dẫn vào bản Sa Ná theo những lối mòn trâu chạy, trơn trượt. Chốc chốc lại có tiếng "oạch" khi 1 ai đấy trong đoàn bị ngã, lấm lem bùn đất.

Tôi vẫn nhớ rõ, sau khoảng 3 giờ đồng hồ, với 4 lần dừng chân nghỉ. Bản Sa Ná đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Từ xa, trước cánh đồng xanh mướt, là một bản làng gần như bị xóa sổ, hoang tàn. Tiếp cận bản Sa Ná, âm thanh đầu tiên chúng tôi nghe thấy là tiếng gào khóc của nhiều người đang thẫn thờ ngóng tin người thân bị lũ cuốn trôi. Gặp đoàn chúng tôi, một trong những người lạ đầu tiên tiếp cận bản, họ đưa những ánh mắt như thể cầu cứu.

Không gian xung quanh bản lúc này, là một đống đổ nát kèm theo tiếng khóc vang khắp bản. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ ghi nhận, chúng tôi lội qua con suối để trở ra trước khi trời tối. Con đường trở ra có phần gian nan hơn, bởi không còn người dẫn đường, sức đã dần cạn. Sau 4 giờ băng rừng, chúng tôi về lại nơi xuất phát và nhanh chóng tìm đến nơi có điện. Trong một hàng quán nhỏ ven đường, vừa húp bát mì, vừa gửi tin bài, hình ảnh về tòa soạn để đăng tải những dòng tin, hiện trường đầu tiên trong bản Sa Ná.

Cho đến tận bây giờ (đã gần 5 năm trôi qua) những vết thương lòng của người dân Sa Ná đã dần nguôi ngoai, bản Sa Ná đã di chuyển đến địa điểm khác và có cuộc sống ổn định, an toàn hơn. Tuy nhiên, mỗi khi nhớ lại lần tác nghiệp ở vùng lũ Sa Ná, tôi vẫn không thể quên ánh mắt thất thần của anh Hà Văn Vân - người mất đi cùng lúc 6 người thân (gồm bố mẹ, chị gái, vợ và 2 con), hoàn cảnh lúc ấy thật đau thương và khó diễn tả bằng lời.

Tác giả trong chuyến tác nghiệp cơn bão số 9, tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế tháng 10.2020. Ảnh: QUÁCH DU

Đi qua ngày giông bão

Có thể nói rằng năm 2019 và 2020 là những năm lũ lụt, thiên tai hoành hành dữ dội, sau trận lũ Sa Ná năm 2019 (ở Thanh Hóa) qua đi, đến tháng 10.2020, những cơn bão lại liên tiếp ập tới dọc dải đất miền Trung, chỉ chưa đầy 1 tháng, các tỉnh miền Trung đã phải gánh chịu tất thảy 3 trận thiên tai, khiến cho “khúc ruột” của Việt Nam “đau quặn”. Trong gần 1 tháng ấy, tôi được tòa soạn, Văn phòng Bắc Trung Bộ phân công tăng cường vào các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An để đưa tin về mưa lũ.

Chuyến đi đầu tiên, tôi đến vùng lũ Quảng Bình và nhà Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (người đã hy sinh khi băng rừng, đi cứu các công nhân bị vùi lấp ở Rào Trăng). Tại đây, tôi mới hiểu thêm được cái tình của người dân đối với một vị tướng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Khi nhắc đến Thiếu tướng Man, nhiều người dân trong khu phố họ đã bật khóc, họ khóc cho một người đã vì dân mà quên thân mình. Hơn thế nữa, họ khóc vì “tình làng nghĩa xóm”, khi biết Thiếu tướng Man gặp nạn, người dân trong phố không ai bảo ai, họ tập trung đến nhà hỏi thăm, động viên và giúp gia đình dọn dẹp.

Sau chuyến đi ấy, tôi trở về địa bàn Thanh Hóa để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, tuy nhiên chỉ được ít hôm, cơn bão số 8 áp sát vùng biển miền Trung, khu vực Bắc Trung Bộ mưa như trút. Lúc này, tôi chỉ kịp hong khô vài bộ quần áo, chuẩn bị ít đồ dùng trước khi “nhận lệnh hành quân” chuyến thứ 2.

Di chuyển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khi chạm cửa ngõ TP Hà Tĩnh, trước mặt chúng tôi là khung cảnh, nhà nhà ngập trắng, các tuyến đường trong mênh mông biển nước. Suốt gần 1 tuần “ăn ngủ” cùng lũ lụt, đồng hành với bà con nơi đây, sau khi nước rút, những con đường đã khô ráo tôi lại trở về địa bàn mình thường trú (Thanh Hóa).

Cũng như chuyến đi thứ 2, khi về lại địa phương thường trú được ít hôm, tôi lại tiếp tục cuộc “độc hành” lần thứ 3, chuyến xe khách đã đưa tôi từ Thanh Hóa đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) để đón bão số 9.

Điểm dừng chân trong đêm là một nhà nghỉ ven đường ở thị trấn nhỏ Phú Lộc. Nơi đầu tiên tôi tìm tới là khu Phá Tam Giang (vùng vịnh nằm bên sườn thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc). Tại đây những cơn mưa không ngớt, ngập lụt bủa vây hàng trăm căn nhà. Rồi cũng như những chuyến đi trước, tôi lại tiếp tục đồng hành, tiếp tục nếm trải với những gian khó cùng người dân nơi đây cho đến khi mưa dứt, bão tan.

Trải qua nhiều năm là phóng viên Báo Lao Động, tôi có phần may mắn khi được đi, đến nhiều tỉnh thành, địa phương, được tham gia đưa tin nhiều sự kiện, lĩnh vực trong đời sống. Cũng chính vì lẽ đó mà giúp bản thân trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và trưởng thành hơn.

Đặc biệt, trải qua những lần “lao vào” cơn bão lũ, xông đến các điểm dịch tôi mới được thấm, mới được đau cùng những hoàn cảnh, phận người khốn khó, để rồi có những bài viết sâu và chân thực hơn về các khía cạnh của cuộc sống, từ đó thông tin đúng, đầy đủ nhất đến bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn