MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

Tăng giá học phí, tăng giá sách, tăng nỗi lo khi còn chưa sang năm học mới

LÊ PHI LONG LDO | 19/05/2022 10:37

Giá xăng tăng chưa có dấu hiệu giảm dẫn đến các mặt hàng khác đều tăng, đánh trực tiếp vào túi tiền người dân. Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng", các bậc phụ huynh lại tâm tư khi học phí và sách giáo khoa lại đề xuất tăng.

Vì sao lại tâm tư? Là vì khi học phí tăng sẽ tác động đến hầu hết các gia đình, việc tăng giá bán sách giáo khoa cũng cần xem xét. Ngoài các khoản trên, các bậc phụ huynh còn phải chi tiêu các khoản khác vào đầu năm học mới như đồng phục, các khoản đóng góp, mà khoản nào cũng tăng.

Theo đó, giá sách giáo khoa mới cao hơn ít nhất 2 - 3 lần sách giáo khoa cũ, số đầu sách tăng vọt, một số sách không cần thiết vẫn bắt học sinh mua. Theo dự thảo nghị quyết về học phí của TP.HCM, gần như học phí tất cả các cấp học đều tăng, riêng học phí THCS tăng gấp 5 lần…

Có nhiều nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới cao đột biến. Trong đó, một nguyên nhân mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các nhà xuất bản không nói đến là có thêm quá nhiều đầu sách bắt buộc so với chương trình cũ.

Ví dụ, bộ sách lớp 1 cũ chỉ gồm Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên xã hội nhưng sách lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới gồm Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên - xã hội, Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm… gần gấp 3 lần về số lượng.

Với bộ sách lớp 3, nếu năm học này học sinh chỉ phải mua 6 cuốn bắt buộc gồm 2 cuốn Tiếng Việt (tập 1 và tập 2), Toán, Tự nhiên xã hội, Tập viết thì từ năm học tới, các em sẽ phải mua ít nhất 14 cuốn…

Nhận định chung, việc tăng học phí và sách giáo khoa vào thời điểm này là chưa phù hợp. Giá cả các mặt hàng khác cũng đang tăng nên người dân vẫn cần được Nhà nước trợ giá học phí cho khu vực trường công ở thời điểm này là hợp lý hơn.

TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính - cho rằng, học phí là loại giá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá. Vì thế, trong bối cảnh cả xã hội đang ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thu nhập của người dân còn hạn chế thì không nên tăng học phí ở thời điểm này.

“Đại bộ phận người dân vẫn chưa có thu nhập cao. Người dân ở khu vực nông thôn, miền núi thì còn rất khó khăn. Việc tăng giá sách giáo khoa gấp 2 - 3 lần cũng như tăng số đầu sách bắt buộc như hiện nay thực sự là gánh nặng với họ” - TS. Ngô Trí Long nhận định.

Đã có nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Bộ GDĐT và tất cả ban, ngành liên quan nghiên cứu, có hướng xử lý tình trạng sách giáo khoa bị đội giá, gây tốn kém không cần thiết cho phụ huynh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên - đã nêu ý kiến: "Khi có vấn đề bức xúc, dư luận phản ứng mạnh mẽ, Bộ GDĐT cần tiếp thu, có câu trả lời thỏa đáng, thể hiện rõ quan điểm của cơ quan chủ quản".

Vì vậy, việc điều hành để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của giá cả đến đời sống người dân là việc rất quan trọng và cấp bách hiện nay, nói đúng hơn là phải có lộ trình tăng giá. Giá cả tăng là xu thế tất yếu, nhưng phải hợp lý tùy theo thời điểm.  

Phải ngăn chặn ngay việc tăng giá, nhất là việc tăng giá học phí và sách giáo khoa để dân bớt khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn