MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh QH

Tập trung nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm

ThS Phạm Văn Chung LDO | 07/01/2022 11:00
Vừa qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Quốc hội về Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo, chương trình xác định khung những vấn đề trọng tâm, cần tập trung giải quyết, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với gói hỗ trợ hơn 400.000 tỉ đồng thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023, gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư; nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, trong chương trình này, Chính phủ đã đề xuất dành đến 53.150 tỉ đồng cho công tác bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Đây là quyết sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là người lao động bị mất việc làm, chưa có việc làm, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.

Việc dành gói hỗ trợ lớn cho an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm sẽ giải quyết được 2 vấn đề lớn của đất nước hiện nay.

Thứ nhất, là hỗ trợ nhằm đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người nghèo, đối tượng yếu thế trong tình hình dịch bệnh phức tạp, có thể ảnh hưởng kéo dài. Đây là những đối tượng vốn bình thường đã khó khăn, khi dịch bệnh xảy ra, kéo dài thì cuộc sống của họ càng khó khăn, túng thiếu hơn.

Thứ hai, hỗ trợ cho người dân sẽ giúp tạo nguồn vốn ban đầu, tối thiểu để người lao động, người nghèo có thể tự mình "vực dậy", vươn lên vượt qua dịch bệnh xây dựng cuộc sống, nhất là có ít vốn liếng để họ tiếp tục trang trải, đầu tư làm ăn, sản xuất, buôn bán nhỏ lẻ...

Từ đó, tạo ra việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, hạn chế sự trợ cấp, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Điều này góp phần tạo ra công ăn, việc làm ổn định cho người dân, nhất là người nghèo và giúp ổn định, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục hồi, phát triển nền kinh tế đất nước.

Ngoài ra, việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân còn giúp kích thích tiêu dùng, đảm bảo kích cầu, giúp cho kinh tế phục hồi ngày càng nhanh chóng, tích cực hơn mà không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phạt...

Bởi trong lúc nền kinh tế bị ảnh hưởng, phát triển chậm lại thì cần có công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hữu hiệu để kích thích kinh tế phát triển. Trong tình hình hiện nay không gì tốt hơn là 'bơm' tiền vào nền kinh tế, kích thích tiêu dùng của người dân.

Thiết nghĩ, ngay sau khi Quốc hội quyết định thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan có trách nhiệm liên quan cần sớm triển khai hiệu quả chương trình này.

Đặc biệt có kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân khai kinh phí hợp lý, triển khai nhanh chóng gói bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm đến đối tượng được thụ hưởng.

Bởi đây là chính sách lớn, rất quan trọng giúp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đồng thời giúp đảm bảo, cải thiện cuộc sống cho người dân nghèo, người lao động bị mất việc làm do dịch bệnh gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn