MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chữ Đoan Ngọ trong Hán tự. Ảnh: Đức Sơn

Tết Đoan Ngọ không chỉ có mỗi diệt sâu bọ

Đức Sơn LDO | 03/06/2022 17:29

Hôm nay là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, tức ngày Tết Đoan Ngọ, hay Đoan Dương (gọi theo người Trung Quốc), chính là Tết Mùng Năm trong văn hóa lễ Tết Việt Nam. Tết Đoan Ngọ không chỉ có mỗi nghĩa là diệt sâu bọ. 

Cũng không riêng gì Việt Nam, ngày Tết này xuất hiện trong lịch sinh hoạt của một số nước Châu Á, như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản… Tùy mỗi nước, sẽ có những sự tích và tập tục khác nhau, hoặc hiện diện thêm nhiều hình thức lễ Tết trùng thời điểm.

Theo chữ nghĩa, Đoan (端) có nghĩa là nảy mầm, với hình tượng chữ Hán đầu tiên vẽ hình ảnh một cây lúa đang ra rễ, cũng đọc là Chuyên, về sau được biến chuyển thêm bộ Lập đằng trước, phía sau là chữ Chuyên (耑, chăm chút việc gì), giảng là bắt đầu, khởi đầu. Chữ Đoan này, cũng ứng với bối cảnh thời tiết chuyển đổi, kết thúc vụ chiêm bước vào vụ mùa, cây cối nảy nở mầm lá cho vụ mới, nên cũng được coi như đánh dấu sự chuyển đổi mùa vụ nửa năm.

Chữ Ngọ (午) vẽ hình con trâu với sừng dài, nghĩa là con Trâu, là một can đứng thứ 7 bảng Địa Chi thuộc Thiên Can Địa Chi, hệ thống đánh số chu kỳ 60 năm được các nước phương Đông sử dụng. Ngọ được ứng với thời gian buổi trưa (từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều), là khoảng thời gian mặt trời đứng bóng nóng nhất trong ngày.

Ngọ cũng được định vị hướng chính nam, chỉ vào mùa hè, trùng với ngày Hạ Chí trong một năm, ứng với việc thời tiết thay đổi từ lạnh sang nóng, kết thúc thời gian ẩm ướt đông – xuân sang mùa hạ khô nóng. Tết Đoan Ngọ, vì thế diễn ra các nghi thức cúng bái, cầu lễ vào đúng ban trưa.

Chữ Đoan Ngọ, theo đó được hiểu là ngày đánh dấu chuyển mùa, bắt đầu những ngày tháng nóng nực trong năm. Điều này rất cần thiết định vị trong lịch sinh hoạt của người dân vùng lúa mùa, để bắt đầu thay đổi canh tác vụ mùa trong năm, chú ý đến khâu tưới tiêu, chăm sóc cây cối.

Đặc biệt, trong canh tác đồng ruộng, mùa hè cũng là thời điểm nảy sinh các loại sâu bọ cắn phá mùa màng, nên người nông dân Việt Nam quan niệm Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, với mong mỏi khởi động những nghi thức cầu mong thuyên giảm nạn sâu bọ, bảo vệ mùa màng. Ngày Tết Đoan Ngọ, theo đó, các vùng nông thôn Việt Nam đều có tập tục “giết sâu bọ” như tắm rửa, uống nước và ăn các món ăn thanh sạch cơ thể, hái lá thuốc…

Trong cổ tích Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được kể gắn với vị thần Đôi Truân. Nguyên do vào đầu mùa hè, sâu bọ sinh sôi nhiều, cắn phá mùa màng, người dân rất khốn khổ. Một ông lão đã xuất hiện, tự xưng tên Đôi Truân, bày cho người dân lập đàn cúng gồm trái cây, bánh tro, từ đó tiêu diệt được sâu bọ. Người dân theo đó đặt thành lệ, vào ban trưa ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch tổ chức Tết Đoan Ngọ diệt sâu bọ.

Tại nhiều vùng nông nghiệp Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được ghi nhận là tết cầu mong mùa màng bội thu, nổi bật nhất là tục Khảo mít ở đồng bằng Bắc bộ. Vào ngày này, chủ nhà ra vườn, dùng gậy gõ nhẹ vào thân cây mít, đe dọa cây mít ra trái ngon, nếu không sẽ hạ bỏ. Một người nông dân khác sẽ trèo sẵn trên cây, giả giọng trả lời, xin gia chủ kiên nhẫn, cho cây thêm thời gian sẽ đậu quả như ý. Với hoạt cảnh này, người nông dân gởi gắm mong ước vào mùa màng, hy vọng qua vụ mới sẽ thu hoạch được nhiều hơn.

Ngoài ý nghĩa diệt sâu bọ, Tết Đoan Ngọ còn gắn với quan niệm trừ tà, chữa bệnh an lành cho dân chúng. Nhiều thầy thuốc Đông y cho rằng đây là ngày cực dương, nóng nhất trong năm, thanh sạch ít sâu bọ, nên chọn ngày này làm lễ hái thuốc trong vườn, trong rừng. Bởi đây là ngày sâu bọ bị diệt trừ, nên người dân cũng mong các loại tà độc, trùng độc trong cơ thể được loại bỏ đi, nên Tết Đoan Ngọ là ngày nhiều bậc cha mẹ tắm gội cho con cái, tra thuốc mắt, trừ giun sán…

Hoạt động trừ tẩy này dần gắn với nghề y, được dân gian xem là ngày lễ cảm tạ thầy thuốc, thầy lang chữa bệnh cứu người. Do đó, Tết Đoan Ngọ cũng là ngày nhiều bệnh nhân vùng quê mang quà đến tạ ơn các vị lang y đã chữa khỏi bệnh cho họ, và ngày này được gọi là ngày Tết thầy lang, Tết hái thuốc.

Cũng liên quan hình ảnh thầy thuốc, ngày Tết Đoan Ngọ còn gắn liền với Tết Thầy Đồ. Nguyên do tại các vùng nông thôn xưa, nghề dạy học do các thầy đồ đảm nhận. Thường các thầy dạy chữ cho trẻ con, sẽ không nhận học phí, nên dịp Tết Đoan Ngọ, các học trò sẽ mang thực phẩm, quà bánh đến thăm nhà thầy, tặng quà tạ ơn nghĩa giáo dục.

Với những sắc thái, tập tục tùy vùng miền như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ là một hoạt động lễ tết đặc trưng màu sắc văn hóa phương Đông. Với người Việt ngoài ý nghĩa tôn vinh mùa màng, cầu mong an bình làng xóm, còn biểu lộ đạo nghĩa ân tình, quan niệm hiếu học, tôn sư trọng đạo trong văn hóa truyền thống bao đời...


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn