MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ cháy quán karaoke ở An Phú, Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: LDO

“Thảm họa” liệu còn lặp lại?

LÊ PHI LONG LDO | 08/09/2022 15:45

Đại biểu Quốc hội đánh giá, vụ cháy quán karaoke khiến 32 người tử vong ở Bình Dương phải được coi là "thảm họa" chứ không phải vụ cháy thông thường.

Điều này hoàn toàn đúng, bởi chưa bao giờ một vụ cháy, đặc biệt cháy quán karaoke mà số người thương vong cao đến như thế. Ngoài số người thương vong, còn là thiệt hại lớn về tài sản, và tâm lý đau thương của những người ở lại.

Chúng ta chưa quên vụ cháy quán karaoke ở phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh khi chữa cháy; vụ cháy quán karaoke ở phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong; vụ cháy quán karaoke ở phường Cát Linh (Ba Đình, Hà Nội) khiến 5 người tử vong; vụ cháy quán karaoke ở phường Đông Kinh (TP.Lạng Sơn) khiến 4 người tử vong…

Đặc điểm của các vụ cháy liên quan đến quán karaoke là hậu quả rất nặng nề, vì liên quan đến số lượng lớn người khi tham gia loại hình sinh hoạt trên, và do đặc điểm riêng biệt của kết cấu các phòng karaoke: Kín, dễ bắt lửa và không có đường thoát thân khi có cháy xảy ra.

Theo đánh giá chung của các đại biểu Quốc hội, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động, phòng cháy chữa cháy ở các quán karaoke đã cơ bản đầy đủ. Theo đó, đặc biệt yêu cầu phải có hệ thống thoát hiểm, phòng cháy, chữa cháy, thông gió... Vì vậy, nếu thực hiện đúng thì nguy cơ xảy ra các hậu quả nặng nề khi có cháy cũng thấp, tuy nhiên thực tế lại ngược lại. 

Vậy câu chuyện ở đây là gì? Phải chăng là sự “nhắm mắt cho qua”, sự không kiên quyết đối với các cơ sở, đơn vị chưa đáp ứng tiêu chuẩn mà vẫn cho hoạt động. Bình thường thì không sao, nhưng khi có sự cố thì rất khủng khiếp.

Trước đó, khi nói về các vụ cháy quán karaoke gây nhiều thiệt hại về sinh mạng, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - từng nhận định, "rõ ràng là có vấn đề liên quan đến công tác quản lý". Vấn đề quản lý không chỉ riêng chính quyền mà còn liên quan đến đơn vị phòng cháy chữa cháy. Chính việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát "không đến nơi đến chốn" nên mới xảy ra những sự việc vô cùng đáng tiếc.

Vì vậy, tổng rà soát việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy tại các quán karaoke là đương nhiên, và cứ sau mỗi vụ cháy lớn, đều có chỉ đạo như vậy, nhưng chuyện buồn vẫn cứ xảy ra.

“Ở đây không có đổ lỗi cho ai và chưa có căn cứ đánh giá có sự tiêu cực. Nhưng nếu có biểu hiện tiêu cực phải xử lý nghiêm vì liên quan đến tài sản, tính mạng con người" - đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết.

Liên quan đến “thảm họa” vừa xảy ra ở Bình Dương, cái chúng ta cần đây là sớm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là cơ quan cấp phép, kiểm tra; và phải xử lý nghiêm, công khai nếu có sai phạm để làm gương, để hậu quả tương tự sẽ không còn xảy ra.

Quan trọng hơn, việc tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường nên được tiến hành thường xuyên chứ không phải sau mỗi vụ cháy mới ráo riết kiểm tra, rồi sau đó “đâu lại vào đấy”. Đừng quên rằng, việc làm đó liên quan đến mạng sống của người dân, tài sản của người dân.

Còn nếu vẫn cứ bao che, giấu tội, ậm ừ cho qua thì “thảm họa” sẽ còn tiếp tục xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn