MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THCS Lộc An, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ảnh: K.T

Thầy giáo “khấn cầu” trả lương tháng 13, cần sự chia sẻ từ 2 phía

QUANG ĐẠI LDO | 19/01/2022 11:38

Sau khi đăng clip "khấn cầu" trả lương tháng 13 lên trang cá nhân, thầy Ngô Công Tấn bị hiệu trưởng mời làm việc.

Ngày 18.1, thông tin từ trường THCS Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, ban giám hiệu nhà trường vừa mời thầy Ngô Công Tấn làm việc với mục đích nhắc nhở, đồng thời yêu cầu gỡ bài đăng trên mạng xã hội.

Trước đó, trang Facebook cá nhân có tên Công Tấn đăng tải clip dài hơn 2 phút đề cập việc giáo viên bị chậm trả lương tháng 13. Nội dung được trình bày bằng giọng điệu tụng kinh, hài hước.

Sự việc nói trên gây xôn xao dư luận, có ảnh hưởng nhất định đến ngành Giáo dục và đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Trước hết, nguyện vọng của giáo viên có thêm lương tháng thứ 13 là hoàn toàn chính đáng.

Mức lương của nhà giáo hiện được trả theo quy định, thang bậc chung, đồng thời có thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đa số giáo viên có lương chỉ đủ chi tiêu bình thường hàng ngày, không có tích lũy, nhiều trường hợp rất khó khăn do hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn.

Từ nhiều năm qua, có nhiều ý kiến đề xuất cần đưa nội dung trả lương tháng 13 vào quy định chung, để tất cả nhà giáo có cái Tết đầm ấm hơn và các trường cũng khỏi phải “giật gấu vá vai” để lo Tết cho giáo viên.

Tuy nhiên, quy định pháp luật và điều kiện ngân sách chưa cho phép nên mong ước nói trên chưa trở thành hiện thực. Các trường đã tìm cách tiết kiệm các khoản chi để có một phần kinh phí tặng quà Tết cho giáo viên.

Đây là việc làm cần khuyến khích, tuy nhiên mỗi trường một mức khác nhau do khả năng, điều kiện khác nhau. Từ đây nảy sinh tâm lý so sánh, khiến nhiều người chạnh lòng.

Do đó, thiết nghĩ, nhà giáo cần hiểu quy định của pháp luật và chia sẻ với nhà trường, không nên có những phát ngôn gây thêm áp lực cho ban giám hiệu và ngành Giáo dục.

Về phía nhà trường cũng cần tôn trọng quyền chia sẻ thông tin trên Facebook cá nhân, nên làm công tác tư tưởng, giải thích, vận động để giáo viên hiểu, đồng thuận cùng nhà trường thực hiện các chủ trương, chính sách. Từ đó, không có những phát ngôn và cung cấp thông tin gây ảnh hưởng đến tập thể và ngành Giáo dục.

Đồng thời tăng cường minh bạch, công khai chi tiết các khoản thu chi để giáo viên nắm rõ, từ đó hiểu và chia sẻ với nhà trường.

Dịch bệnh COVID-19 gây ra khó khăn rất lớn cho tất cả các ngành, lĩnh vực, Giáo dục cũng không ngoại lệ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, cần tăng cường đồng thuận, đoàn kết, chia sẻ giữa ban giám hiệu và giáo viên, giữa nhà trường và phụ huynh học sinh để xây dựng môi trường giáo dục tiến bộ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn