MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Nghệ An thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi trường chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: Hải Đăng

Thưởng tiền cao cho học sinh đỗ tốt nghiệp là bất hợp lý

Tường Minh LDO | 26/08/2024 15:09

Việc Nghệ An khen thưởng quá mức cho các học sinh thi tốt nghiệp đạt điểm cao là sự bất hợp lý, bất công đối với các đối tượng khác.

Việc UBND tỉnh Nghệ An quyết định khen thưởng cho 66 học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với số tiền gần 19 triệu đồng mỗi học sinh, kèm theo Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, đã trở thành tâm điểm của sự chú ý và gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Cần nhớ, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi sát hạch có tính chất bắt buộc đối với tất cả học sinh lớp 12. Đây không phải là kỳ thi để vinh danh những tài năng xuất sắc, mà chủ yếu nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản về kiến thức và kỹ năng cho học sinh trước khi rời khỏi ghế nhà trường.

Với tính chất như vậy, việc khen thưởng quá lớn cho những học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi này đã đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của chính sách.

Trao đổi với Lao Động, một giáo viên THPT tại Nghệ An đã nêu rõ sự bất hợp lý khi so sánh mức thưởng này với các phần thưởng dành cho những giáo viên đạt danh hiệu trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, chỉ nhận được khoảng 1,8 triệu đồng mà không có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Hơn nữa, những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh cũng không được khen thưởng tương tự.

Điều đáng lưu ý là mức thưởng dành cho học sinh thi tốt nghiệp đạt điểm cao này gấp 10 lần mức lương cơ sở và thậm chí còn cao hơn cả mức thưởng dành cho danh hiệu Nhà giáo ưu tú - một danh hiệu cao quý do Chủ tịch nước phong tặng với các tiêu chuẩn, điều kiện rất khó khăn.

Việc khen thưởng quá mức cho các học sinh thi tốt nghiệp đạt điểm cao không chỉ gây ra sự bất công đối với các đối tượng khác, mà còn có thể tạo ra một tiền lệ không tốt trong giáo dục.

Mục tiêu của khen thưởng là để khuyến khích học sinh phấn đấu, nhưng khi phần thưởng vượt quá giá trị thực của thành tích, nó có thể dẫn đến những tác động tiêu cực, như sự so sánh, ganh đua không lành mạnh, hoặc làm lệch lạc giá trị thực của học vấn.

Thay vì dành quá nhiều tiền cho những phần thưởng như vậy, các nguồn lực này có thể được sử dụng để đầu tư vào các chương trình học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng sâu, vùng xa.

Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mang lại sự công bằng và phát triển bền vững cho cộng đồng.

Trước những băn khoăn từ dư luận, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã cho biết sẽ xem xét, rà soát lại nội dung khen thưởng này để bảo đảm tính đúng đắn và hợp lý. Điều này là cần thiết và cấp bách, bởi khen thưởng chỉ có ý nghĩa thực sự khi nó được thực hiện một cách công bằng, cân nhắc kỹ lưỡng về mặt tác động và hiệu quả.

Khen thưởng cho học sinh có thành tích xuất sắc là điều cần thiết, nhưng cần phải thực hiện một cách thận trọng và hợp lý. Tránh để những phần thưởng lớn trở thành một cuộc tranh cãi không đáng có và mất đi giá trị thực sự của việc khen thưởng trong giáo dục!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn