MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa.

“Tiến sĩ cầu lông” và thói hư danh

LÊ PHI LONG LDO | 10/05/2022 08:51

Diễn biến mới nhất của vụ việc “tiến sĩ cầu lông”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GDĐT cho biết, với những luận án tiến sĩ có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.

Đây là quyết định đúng đắn, vì không chỉ làm thỏa mãn dư luận mà còn vì nền khoa học của nước nhà.

Tuy nhiên, cần phải có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, để các tiến sĩ nhận bằng đúng thực chất.

Qua câu chuyện trên mới thấy, luận án tiến sĩ mà cứ như trò hề, mọi chuyện chỉ rùm beng lên khi mạng xã hội và dư luận, báo chí lên tiếng. Nếu không, mọi việc cứ thế êm xuôi, và hàng năm, các cơ sở đào tạo được ví như các “lò ấp” sẽ tiếp tục cho ra lò những tiến sĩ với những đề tài rất chi là… buồn cười.

Buồn cười hơn, chuyện cứ như đùa mà hóa ra lại thật, đó là nhờ ông “tiến sĩ cầu lông” mới phát hiện ra là có rất nhiều người trở thành tiến sĩ nhờ nghiên cứu phát triển các môn thể thao khác ở quy mô cấp… tham luận.

Tìm kiếm theo từ khoá tại chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GDĐT, có đến 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến lĩnh vực phát triển môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước. Tương tự, luận án tiến sĩ các môn thể thao khác cũng không thua gì môn cầu lông.

Xem danh sách các đề tài luận án tiến sĩ xong, nhiều ý kiến cho rằng đây không khác gì "công nghệ nhân bản tiến sĩ". Thật là chua xót.

Đến mức, theo đánh giá, một số đề tài nghiên cứu trên quy mô hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ. 

TS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học Quốc gia Hà Nội phải  thốt lên khi xem bảng thống kê về các đề tài trên rằng, "hoá ra, ngoài tiến sĩ về phát triển cầu lông thì còn nhiều tiến sĩ khác về yoga, bóng rổ, cử tạ.... Chuyện nghiên cứu khoa học thật mà như đùa".

Đó là nỗi nhức nhối về vấn đề nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo tiến sĩ tại nước ta hiện nay.

Tại sao lại để lọt những đề tài tiến sĩ như vậy? - đó cũng là câu hỏi chưa có được câu trả lời xác đáng. 

Một điều chắc chắn rằng, để các đề tài như thế được thông qua và người nghiên cứu đạt học vị tiến sĩ không phải riêng gì trách nhiệm của cá nhân nghiên cứu sinh, của người hướng dẫn mà còn có trách nhiệm của hội đồng bảo vệ, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GDĐT.

Bộ GDĐT không thể đứng ngoài cuộc trong câu chuyện này.

Thực tế đã cho thấy, công tác đào tạo tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thời điểm trước năm 2017 có nhiều khuyết điểm, sai phạm như Thanh tra Chính phủ đã kết luận. Đây chính là hồi chuông báo động về công tác đào tạo tiến sĩ hiện nay. 

Và ai dám chắc rằng, những khuyết điểm, sai phạm này chỉ có ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mà không có ở các cơ sở đào tạo khác.

Ở các nước phát triển, những người học tiến sĩ là để làm công tác nghiên cứu, công tác giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu; họ nghiên cứu khoa học thực sự để phục vụ cho công việc; còn ở Việt Nam, một bộ phận không nhỏ học tiến sĩ để là đạt mục đích “thăng quan tiến chức”, để đủ điều kiện để làm lãnh đạo, làm quản lý.

Và những “lò ấp” tiến sĩ chính là nơi sinh sôi nảy nở tiến sĩ cho những người đang cố gắng chỉ vì hư danh chứ đâu phải vì khoa học.

Vì vậy, cần có cuộc rà soát tổng thể, “đại phẫu” các cơ sở có chức năng đào tạo tiến sĩ để đưa công tác nghiên cứu khoa học nói chung và công tác đào tạo tiến sĩ nói riêng về thực chất.

Và những người chỉ vì hư danh, hãy biết hổ thẹn khi cầm bút viết trước tên mình hai chữ “tiến sĩ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn