MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động nghỉ việc làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Tìm giải pháp căn cơ để công nhân hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 15/04/2023 08:39

Việc nhiều người lao động tham gia, đóng bảo hiểm xã hội sau một năm nghỉ việc thường làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần đã làm "đau đầu" các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan tham mưu, chủ trì soạn thảo pháp luật.

Có thể khẳng định và nhìn nhận, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 là khá toàn diện, việc kéo giảm thời gian tham gia BHXH xuống còn 15 năm hoặc hướng tới làm sao để người lao động sau khi về già, đủ tuổi đời, tuổi nghề, đủ năm tham gia BHXH có lương hưu là cách làm luật rất nhân văn, thấu đáo của cơ quan soạn thảo luật pháp nhằm hướng tới một nền BHXH có tính an sinh, bền vững.

Tuy nhiên, đề xuất cho phép người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất chỉ mới giải quyết được "phần ngọn" mà chưa đi đến "phần gốc" của vấn đề.

Nhất là trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế, đời sống khó khăn, tình trạng thất nghiệp, mất việc nhiều, việc dự thảo luật hạn chế "quyền đóng và quyền được thụ hưởng" BHXH một lần so với trước đây gây ra tâm lý lo lắng, bất an của người lao động.

Đó là chưa kể với thời gian giảm số năm tham gia BHXH xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu, quỹ BHXH có đảm bảo được mức lương hưu, mức sống tối thiểu hàng tháng của người lao động hay không trong khi hiện nay hầu như mức tiền lương, tiền công tham gia, đóng BHXH hàng tháng của người lao động, nhất là công nhân lao động trực tiếp sản xuất, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... thường bị doanh nghiệp "bóp chặt" và đóng với mức tiền lương tham gia BHXH rất thấp khi xây dựng thang bảng lương?

Theo thống kê của cơ quan chức năng, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động trong năm 2022 là gần 6,7 triệu đồng. Đây có thể thấy là mức thu nhập không cao, nếu không muốn nói là với mức thu này, nhiều người lao động phải bóp chặt chi tiêu, nhất là người đang ở trọ và làm việc ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng chứ chưa nói đến việc tích lũy, để dành hay phụ giúp gia đình, cha mẹ. 

Do vậy có thể nói, thời gian tham gia, đóng BHXH hay nói đúng hơn là số tiền được trích từ tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH là "của để dành", là tài sản tích lũy lớn nhất của hàng triệu công nhân lao động. Do đó khi bản thân hay gia đình không may lâm vào tình cảnh khó khăn như thất nghiệp, mất việc hoặc ốm đau, bệnh tật lại không có tiền tích lũy, lúc này việc chọn rút BHXH một lần là phương cách duy nhất để người lao động có thể trang trải, chi tiêu và giải quyết những khó khăn trước mắt....

Thiết nghĩ, để ngăn chặn làn sóng ồ ạt rút tiền BHXH một lần sau khi người lao động nghỉ việc cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Việc tăng cao tuổi nghỉ hưu của người lao động, đặc biệt là một số ngành nghề đặc thù hoặc một số đối tượng là người lao động làm công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm như Bộ luật Lao động năm 2019 là chưa phù hợp với mong mỏi của đông đảo người lao động. Do đó lần này, cần chú trọng xem xét các ý kiến để có thể điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu cho phù hợp với một số đối tượng, một số ngành nghề khi sửa đổi, bổ sung.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, đảm bảo việc làm, chỗ ở cho người lao động có tính chất bền vững, căn cơ và lâu dài cũng như nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống của người lao động cũng như thân nhân của họ là vấn để cần nghiên cứu, giải quyết thấu đáo của các nhà hoạch định chính sách về lao động, tiền lương.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, đào tạo và nâng cao tay nghề người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình, sự thay đổi và xu thế mới để nâng cao năng suất.

Một khi mức thu nhập hàng tháng của người lao động đủ để tích lũy, có "của để dành", chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút tiền BHXH  1 lần. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn