MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân

Vì sao nên bỏ khống chế thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 20/03/2024 16:28

Nên sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo hướng không khống chế thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp là 12 tháng như hiện nay. Thay vào đó, nên quy định tăng số tháng được hưởng tùy theo số năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tối đa không quá 24 tháng.

Mới đây, một người bạn của tôi xin chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp sau gần 25 năm gắn bó, công tác và tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Sau khi nghỉ việc, chị đến trung tâm giới thiệu việc làm để làm thủ tục, hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thời gian tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp của chị từ tháng 9.2009, tính ra đến nay gần 15 năm. Thế nhưng hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị tối đa sẽ không được quá 12 tháng mặc dù thời gian chị tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp nếu tính ra đã gần 15 năm. Chị cho biết, đến tháng 5 này chị sẽ hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa theo quy định hiện hành.

Chị cho biết, sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị không còn có khoản thu nhập hay khoản trợ cấp nào khác nữa. Với lứa tuổi của chị, để tìm việc làm mới phù hợp là rất khó. Chị quyết định ở nhà và tiếp tục chờ đến đầu năm 2026 để đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Trường hợp bản thân tôi đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp hơn 15 năm (tính từ tháng 9.2009 đến nay). Để đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, tôi phải tiếp tục làm việc thêm trên chục năm nữa.

Điều đó đồng nghĩa là thời gian tôi tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc đến thời điểm gần tới tuổi nghỉ hưu cũng gần 30 năm. Nếu đến gần thời điểm đó tôi xin chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn vì nhiều lý do hoặc không may doanh nghiệp gặp khó, tôi lâm vào tình cảnh mất việc làm và thất nghiệp, với thời gian tham gia, đóng bảo hiểm thất nghiệp gần 30 năm bản thân tôi sau khi đi làm thủ tục, hưởng thất nghiệp cũng sẽ chỉ nhận được trợ cấp thất nghiệp không quá 12 tháng.

Có thể thấy, quy định này của luật là chưa thật sự phù hợp, nếu không muốn nói là không công bằng đối với nhiều người tham gia.

Khoản 2 Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 quy định "Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng".

Thiết nghĩ, cần nghiên cứu tiến hành sửa đổi, bổ sung về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho phù hợp với thực tế cũng như phù hợp với thời gian đóng góp, tham gia vào bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, nhất là người lao động có thời gian tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng chục năm.

Theo ý kiến cá nhân, nên sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm theo hướng không khống chế thời gian tối đa hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp mà nên quy định theo hướng, nếu người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 năm thì thời gian hưởng tương ứng là 12 tháng, sau đó cứ đóng dư 1 năm sẽ hưởng thêm 1 tháng và thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 24 tháng.

Theo tôi, nếu được như vậy thì sẽ phù hợp với nguyên tắc đóng và hưởng của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm. Việc quy định theo hướng mở này sẽ đảm bảo tính công bằng trong quá trình tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và sự thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho cả một quá trình tham gia.

Ngoài ra, cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh mức hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cao hơn so với quy định hiện hành như hiện nay. Theo quy định hiện hành “mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp…”, theo tôi, là chưa thật sự phù hợp.

Xem xét, điều chỉnh tăng mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn cũng là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của một chính sách xã hội mang tính đặc biệt đối với người lao động mất việc làm , để họ có thêm chút thu nhập từ khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn