MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vợ chồng chi tiêu trong dịp Tết: Bao nhiêu thì vừa đủ?

Bảo Hân LDO | 31/01/2023 11:10

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 đã kết thúc. Đối với nhiều gia đình, các khoản chi tiêu trong dịp này là gánh nặng, nhưng cũng có không ít gia đình có khoản chi tiêu hợp lý, để Tết đi qua một cách nhẹ nhàng, ý nghĩa. 

Lì xì là một khoản tiền khá lớn mà nhiều vợ chồng phải bỏ ra trong dịp Tết. Ảnh minh hoạ: Anh Huy 

Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình chị Đoàn Thị H.L (Thái Bình) chủ yếu dành thời gian bên gia đình nội, ngoại, thăm hỏi anh em, người thân, họ hàng, không đi đâu chơi xa. 

“Tuy vậy, tổng số tiền vợ chồng tôi phải bỏ ra dịp Tết này phải lên đến hơn 30 triệu đồng. Nhiều khoản tôi dùng thẻ quẹt để thanh toán tiền, còn nếu dùng tiền mặt thì chắc chắn sẽ có cảm giác… tiếc hơn” – chị L cho hay. 

“Vợ chồng tôi biếu bố mẹ vợ 5 triệu đồng; mẹ chồng 3 triệu đồng. Năm nay, mẹ chồng tôi mừng thọ, nên vợ chồng tôi bỏ ra 10 triệu đồng để lo tổ chức. Ngoài ra, tổng số tiền lì xì và bánh kẹo, hoa quả khoảng 10 triệu đồng. Tôi mua nhiều các loại hạt như hạt dẻ cười, hạt macca… nên khá tốn tiền. Một số khoản khác khoảng vài triệu đồng nữa” – chị L liệt kê. 

Chị L cho hay, vợ chồng chị đều có thu nhập khá, nên khoản tiền chi tiêu trong Tết vừa rồi không phải là quá lớn, quá khả năng. Tuy nhiên, vợ chồng chị hoàn toàn có thể giảm bớt số tiền tiêu Tết vừa rồi, nếu lì xì tiền mệnh giá ít hơn, hay mua hoa quả, bánh kẹo ít hơn… 

Chị L cho rằng, nhiều người vẫn quá để tâm vào mua sắm, chi tiêu, ăn uống trong dịp Tết mà chưa thực sự “chơi” Tết. “Theo tôi, “chơi” Tết nghĩa là mọi người dành thời gian đi thăm hỏi, ngồi với nhau, trò chuyện cùng nhau hay đi ngắm cảnh ở đâu đó… Nếu ngày Tết mà quá nặng về việc ăn uống, nhậu nhẹt thì vừa tốn tiền, lại trở thành gánh nặng cho những người phải phục vụ” – chị L bày tỏ quan điểm. 

Anh Ngô Đ.T (thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết, theo tính toán của anh, trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh chi tiêu hết khoảng 20 triệu đồng. 

“Tôi thường lì xì cho người già từ 100.000 đồng/người đến 500.000 đồng/người. Đối với trẻ con, học sinh thì tôi lì xì từ 20.0000 đồng đến 100.000 đồng. Tổng cộng số tiền tôi lì xì là khoảng 8 triệu đồng” – anh T cho hay. 

Ngoài ra, anh T còn tốn nhiều khoản chi khác như: Mua bánh kẹo, hoa quả, giò… Theo anh, số tiền 20 triệu đồng này là không quá nhiều, đảm bảo cho gia đình anh có một cái Tết đầy đủ, vui vẻ. 

“Tôi quan niệm rằng, Tết là thời gian nghỉ ngơi, mọi người nên chi tiêu đơn giản, vừa đỡ tốn tiền, lại vừa đỡ vất vả, bận rộn. Tôi thích dành thời gian đi thăm gia đình, bạn bè trong dịp Tết, không quá chú trọng vào việc ăn uống, nên không mua nhiều đồ ăn trong dịp này” – anh T nói. 

Mỗi lần đi chúc Tết người thân, họ hàng, anh T không mua quà, mà đi tay không, bởi theo anh, quan trọng là chuyện trò với nhau, nếu cứ phải quà cáp sẽ dễ biến thành hình thức. “Người thân cũng chỉ mong gặp nhau, trò chuyện với nhau sau một năm làm việc, không coi trọng mình phải mang quà, như bánh kẹo đến” – theo anh T. 

Chi tiêu bao nhiêu trong dịp Tết phụ thuộc vào thu nhập cũng như quan niệm về ngày Tết của mỗi người. Đừng để các khoản tiền chi tiêu trong dịp Tết trở thành gánh nặng khiến sau Tết, cuộc sống của chính gia đình mình bị ảnh hưởng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn