MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô P.T.N - giáo viên Trường Canh Thuận bị nợ chế độ. Ảnh: Hoài Luân

Vụ nợ lương giáo viên ở Bình Định: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Tường Minh LDO | 26/08/2024 15:55

Việc giáo viên ở huyện Vân Canh, Bình Định bị nợ lương, chế độ kéo dài, sau đó nhận được khoản chi trả không như mong đợi khiến dư luận xôn xao.

Như Báo Lao Động đã thông tin, sau những nỗ lực đòi quyền lợi, cuối cùng chế độ dạy thêm giờ cho năm học 2022-2023 của các giáo viên ở huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định, cũng đã được chi trả.

Tuy nhiên, điều đáng nói là có giáo viên vẫn "trắng tay" do cách tính "mới" áp dụng bởi Thanh tra huyện Vân Canh.

Trường THCS Bán trú Canh Thuận đã tổ chức cuộc họp Hội đồng để động viên giáo viên chia sẻ khó khăn, chấp nhận không nhận tiền chi trả cho các nhiệm vụ kiêm nhiệm, chế độ giảm định mức tiết dạy, và quy đổi các hoạt động chuyên môn khác.

Điều này dẫn đến khoản tiền chế độ của 16 giáo viên giảm từ gần 315 triệu đồng xuống còn khoảng 215 triệu đồng, và cuối cùng chỉ còn hơn 66 triệu đồng. Vấn đề ở đây là sự bất hợp lý trong cách tính toán và chi trả.

Loạt câu hỏi được phóng viên Lao Động đặt ra nhưng chưa được cơ quan chức năng của Bình Định trả lời liên quan đến vấn đề này là: Vì sao số tiền chi trả thêm giờ liên tục biến động. Trường Canh Thuận đã tính toán sai hay có hành vi kê khống? Cách tính này dựa trên cơ sở nào?

Đây là những vấn đề cần được làm rõ, kể cả trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan để đảm bảo sự minh bạch và công bằng cho giáo viên.

Sở dĩ phải nhắc đến chuyện truy trách nhiệm các cá nhân và tổ chức liên quan đến việc này là bởi trước đó, sau khi Báo Lao Động có bài phản ánh, ngày 14.5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã nhanh chóng có chỉ đạo, yêu cầu ông Lương Đình Tiên giải quyết, chi trả lương, chế độ cho giáo viên. Đồng thời xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể liên quan.

Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 12.7, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định nhanh chóng kiểm tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan khi để chậm lương, nợ chế độ của giáo viên ở huyện Vân Canh.

Và sau những chỉ đạo "rát" của cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh Bình Định, đến nay, tiền lương, chế độ của giáo viên đã được chi trả. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có ai phải chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ và bất hợp lý này.

Vụ việc giáo viên ở Bình Định bị nợ lương và chế độ đã dấy lên nhiều bức xúc trong dư luận lâu nay. Và điều mà các giáo viên mong đợi không chỉ là khoản tiền đã được chi trả, mà còn là sự công bằng, minh bạch trong cách tính toán và chi trả chế độ.

Các cơ quan chức năng của Bình Định cần nhanh chóng vào cuộc một cách nghiêm túc, trả lời rõ ràng các câu hỏi liên quan đến cách tính chi trả, và xem xét trách nhiệm của những người liên quan.

Việc này không chỉ là đảm bảo sự công bằng cho các giáo viên mà còn là vấn đề uy tín và đạo đức trong quản lý nhà nước!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn