MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xử lý các “thánh chửi”, "Chí Phèo" trên mạng xã hội

THANH MẾN LDO | 26/03/2022 16:37

Sau thời gian được tung hô là “hot trend” trên mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam. Trước đó, đã có nhiều “thánh chửi”, “Chí Phèo” trên mạng xã hội bị cơ quan chức năng sờ gáy.

Không chỉ đấu tố ông Võ Hoàng Yên, các nghệ sĩ, diễn viên, bà Nguyễn Phương Hằng còn “réo tên” nhiều nhà báo, cán bộ… và cùng với đó là nhiều thông tin, hành vi ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ.

Sử dụng tính năng livestream thu hút đông đảo người tương tác và bình luận, chia sẻ, các thông tin chưa kiểm chứng, có những ngôn từ xúc phạm người khác càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, gây tác động rất lớn đến những người liên quan.

Trước bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, nhiều trường hợp bị khởi tố, kết án tù.

Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một đối tượng về tội làm nhục người khác trên mạng xã hội. Ảnh: Trần Tuấn

Nhiều đối tượng được coi là “thánh chửi”, “Chí Phèo” trên mạng xã hội thường xuyên livestream to tiếng, chửi bới, quy chụp người khác, được cộng đồng mạng quan tâm, tương tác, chia sẻ.

Được đám đông cổ vũ, họ càng ảo tưởng về khả năng, sức mạnh của bản thân và mạng xã hội, mặc dù đã được nhắc nhở, cảnh báo nhiều lần vẫn không thay đổi, thậm chí còn có những động thái thách thức.

Với tính năng cá nhân hóa, tình trạng vội vàng đưa thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân và uy tín cơ quan tổ chức trên mạng xã hội diễn ra ngày càng nhiều.

Nhiều người vô cớ trở thành nạn nhân bị tấn công trên mạng xã hội, đặc biệt là nhóm người của công chúng, gây ảnh hưởng nặng nề về tinh thần và công việc.

Tuy nhiên, để xử lý được người đưa thông tin sai trái không phải dễ dàng. Nếu muốn xử lý hành chính phải có đơn, đến làm việc với cơ quan chức năng để cung cấp chứng cứ, nhiều trường hợp phải làm việc nhiều lần, thời gian xác minh, xử lý kéo dài.

Không ít trường hợp tài khoản ẩn danh, giả mạo không truy tìm được người tạo lập, phát tán thông tin. Và cho dù có tìm được, xử lý thì danh dự, uy tín, nhân phẩm cũng đã bị ảnh hưởng, tổn thương.

Nếu khởi kiện ra tòa, việc thụ lý, xét xử sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, làm cho các “khổ chủ” hết sức mệt mỏi, tốn kém và hầu như rất ít người chọn giải pháp này, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng chửi bới, xúc phạm và xuất hiện nhiều “thánh chửi”, “Chí Phèo” trên mạng xã hội là do tâm lý hiếu kỳ của đám đông. Thấy ồn ào, hỗn loạn, huyên náo thì ghé vào xem thử thế nào, rồi bình luận, chia sẻ, phát tán…như một hình thức giải trí. Các clip chửi bới càng thô tục, phản cảm càng “nóng”, được nhiều người quan tâm, tương tác.

Mặt khác, không ít người nhận định sai lầm khi cho rằng các “thánh chửi” là cương trực, thẳng thắn, dám nói, dám chống tiêu cực, dũng cảm…Và coi đó như là nơi để giải tỏa các bức xúc, mâu thuẫn trong xã hội.

Theo các chuyên gia, hiện tượng “thánh chửi” là vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, gây nên nhiều hậu quả rất xấu và nhiều trường hợp được thực hiện bởi các cá nhân có bệnh lý tâm thần. Cộng đồng mạng với tâm lý tò mò, hiếu kỳ, nhận thức lệch lạc, cảm tính là mảnh đất màu mỡ ươm mầm cho các “thánh chửi” và các hiện tượng lệch lạc, phản cảm.

Do đó, có một giải pháp rất đơn giản nhưng hữu hiệu để hạn chế, ngăn chặn các “thánh chửi”, “Chí Phèo”, “giang hồ mạng” là hãy tắt clip, lướt qua trang khi thấy họ xuất hiện. Chửi một mình, không có “đồng minh”,  không được tung hô, thiếu động lực, họ sẽ chán, mệt mỏi và tự chấm dứt hành vi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn