MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội vừa công bố tên gọi mới của các phường, xã dự kiến sau sáp nhập. Ảnh minh hoạ: Vĩnh Hoàng

Ý kiến trái chiều việc ghép 2 tên phường thành 1 sau sáp nhập ở Hà Nội

KHÁNH AN LDO | 08/04/2024 06:17

Nhiều người dân cho biết, việc ghép 2 tên phường thành 1 sau sáp nhập phường, xã ở Hà Nội khiến tên phường trở nên dài dòng, gây bất tiện cho người dân khi làm các giấy tờ, thủ tục hành chính.

Một số quận, huyện, thị xã ở Hà Nội vừa công bố tên phường, xã dự kiến sau sáp nhập. Dự kiến trước ngày 10.4, các quận, huyện sẽ hoàn thành đợt lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Trong số những tên phường mới vừa được công bố, nhiều tên được ghép từ tên của 2 phường cũ.

Theo đó, sau khi nhập một phần phường Trung Tự vào Phương Liên, phường mới có tên là Phương Liên - Trung Tự. Sau khi nhập Quốc Tử Giám và Văn Miếu thành phường mới, tên đơn vị hành chính mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhận định về việc ghép 2 tên phường thành 1 sau sáp nhập, bạn đọc Huy Hoàng cho biết, việc ghép như vậy có thể là một ý tưởng hay, bởi điều này giúp tên phường vốn gắn bó với người dân từ lâu đời nay vẫn được giữ nguyên vẹn.

Thế nhưng không nên ghép quá dài, sẽ gây khó cho người dân khi ghi địa chỉ trên các giấy tờ, hợp đồng...

"Nên lấy tên ngắn gọn để người dân tiện cho việc ghi địa chỉ. Không nên để tên một phường mà tới 4-5 chữ cái như vậy. Có thể lấy ví dụ, một người dân sau khi ghi số nhà, ngách, ngõ, phố, rồi lại ghi thêm phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP Hà Nội thì quá dài dòng" - bạn đọc Huy Hoàng nêu quan điểm.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Ly đề xuất nên lấy tên của 1 phường, xã cũ thành tên mới sau sáp nhập để giảm số dân bị ảnh hưởng khi phải thay đổi giấy tờ. "Nếu nhập Quốc Tử Giám và Văn Miếu thành phường mới thì có thể lấy tên phường mới là Văn Miếu (hoặc Quốc Tử Giám). Điều này sẽ giúp cho người dân của một trong 2 phường này sẽ không phải đi làm lại giấy tờ" - bạn đọc Nguyễn Ly viết.

"Gộp 2 phường thành 1 thì nên dùng tên của phường có dân số nhiều hơn để giảm thiểu số lượng giấy tờ cần thay đổi" - bạn đọc Nguyễn Long bình luận.

"Tên phường nên để sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ" - bạn đọc Hoàng Hoa viết.

Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, tên đơn vị hành chính mới được xem xét dựa trên yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.

Ưu tiên sử dụng tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp hoặc được sử dụng trong quá trình hình thành và phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn