MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1 tháng sau Nghị quyết 30, Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn không dám đấu thầu mua sắm vật tư

Nhóm Phóng viên LDO | 09/04/2023 06:30

Một tháng sau Nghị quyết 30 và Nghị định 07 được ban hành, tình trạng thiếu vật tư y tế tại Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn  trầm trọng, giậm chân tại chỗ khiến không ít người bệnh rơi vào tình cảnh đi khám bệnh viện công mà bị giới thiệu ra bệnh viện tư để mổ mắt. 

Chờ hướng dẫn của Bộ Y tế

PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương - cho rằng, thời gian qua, ngành Y tế cả nước phải đối mặt với những khó khăn về thiếu trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp. Ảnh: Phóng viên

Những khó khăn này, chủ yếu là do vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Nghị định số 98/2021/NĐ-CP và Thông tư số 14/2020/TT-BYT.

Tình trạng thiếu vật tư của Bệnh viện Mắt Trung ương diễn ra từ tháng 4-5.2022. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân mà còn đến cả hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện trong suốt giai đoạn vừa qua. 

Theo ông Hiệp, Nghị định số 07 ngày 03.3.2023 và Nghị quyết số 30 ngày 4.3.2023 của Chính phủ ra đời giúp giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong đấu thầu.

"Chính phủ quy định rõ hướng giải quyết nhưng yêu cầu Bộ Y tế phải ra các văn bản hướng dẫn. Tuần trước nữa, chúng tôi mới nhận được kế hoạch triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30. 

Khi chưa có hướng dẫn thì hầu hết gói thầu, vật tư tiêu hao, hoá chất theo máy chưa thể thực hiện được" - ông Hiệp băn khoăn. 

Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương thông tin, năm nay, bệnh viện dự kiến thực hiện 35 gói thầu thì đến 28 gói thầu có liên quan đến vật tư y tế tiêu hao, hoá chất theo máy. Vậy nên, nếu chưa có hướng dẫn vẫn chưa thể thực hiện được.

Lợi dụng thiếu vật tư y tế, "câu" người bệnh ra ngoài làm dịch vụ

Như Lao Động đã phản ánh, thời gian qua, nhiều bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, dù có bảo hiểm y tế nhưng vẫn được các bác sĩ giới thiệu sang phòng khám, bệnh viện tư làm dịch vụ với chi phí đắt hơn nhiều lần so với giá ở bệnh viện công. Lý do các y bác sĩ đưa ra là hiện nay, bệnh viện không có máy móc, thiếu thiết bị vật tư y tế nên không thể chụp chiếu hay thực hiện một số loại phẫu thuật.

Đơn cử như dịch vụ chụp cộng hưởng từ (MRI), đa số bệnh nhân đều được bác sĩ giới thiệu sang phòng khám Vietlife tại địa chỉ số 14 Trần Bình Trọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chỉ định cho bệnh nhân ra phòng ngoài chụp cộng hưởng từ được bút phê trong sổ khám của các bệnh nhân, kèm tên và số điện thoại của bác sĩ. Ảnh: Phóng viên

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp khẳng định, việc thiếu trang thiết bị, vật tư y tế là có thật, song, bệnh viện không có chủ trương giới thiệu bệnh nhân ra phòng khám, bệnh viện tư để làm dịch vụ. 

"Lãnh đạo bệnh viện cũng đã nắm được tình hình thông qua phản ánh của Báo Lao Động. Chúng tôi sẽ xử lí nghiêm những trường hợp này" - ông Hiệp nói. 

PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp cho hay, bệnh viện không có máy chụp MRI do đây là loại máy móc công nghệ cao, cần có nguồn kinh phí đầu tư lớn. "Tự đầu tư thì bệnh viện chưa có điều kiện, ngay cả máy chụp CT cũng phải bù lỗ. Trước đây, chúng tôi cũng có kêu gọi đầu tư hợp tác nhưng không đơn vị nào vào.

Mặc dù không có máy chụp MRI nhưng chúng tôi cũng nghiên cứu các văn bản cho thấy, việc các bác sĩ chỉ đi các nơi là sai. Về yêu cầu chuyên môn, phải giải thích cho người bệnh, nếu chuyển đúng tuyến, báo cáo phòng kế hoạch tổng hợp để có phương án cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân cấp cứu, đúng tuyến, bệnh viện sẽ trực tiếp liên hệ. Không phải cấp cứu, bác sĩ giải thích. Bệnh nhân chụp ở đâu, bệnh viện chưa thể liên hệ. Đây là thực tế tại bệnh viện. Những trường hợp cấp cứu, có bảo hiểm đúng tuyến, giao phòng Kế hoạch tổng hợp để liên hệ các cơ sở y tế khác" - ông Hiệp nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn