MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

2 ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng, liệu có hiện tượng dương tính giả?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA. LDO | 26/07/2020 17:26
Sau 100 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thì từ ngày 25.7 đến nay có thêm 2 ca mắc mới tại Đà Nẵng. Nhiều câu hỏi đặt ra là có trường hợp âm tính giả, vậy liệu có hy vọng trường hợp dương tính giả hay không? Báo Lao Động trích đăng bài viết giải thích hiện tượng này của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA.

Việt Nam mới phát hiện bệnh nhân 416 - một ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, không xác định được nguồn nhiễm. Điều đặc biệt là bệnh nhân này được trải qua 5 lần xét nghiệm bằng phương pháp “phát hiện vật liệu di truyền của virus” hay gọi là RT-PCR.

Trưa 24.7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm lần 4, kết quả ban đầu chưa rõ ràng và đã thực hiện xét nghiệm lần 5 chuyên sâu, có kết quả khẳng định dương tính với SARS-COV-2 vào sáng 25.7.2020.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ. Ảnh: NVCC.

Chúng ta đã từng biết nhiều trường hợp âm tính phải xét nghiệm nhiều lần thì mới thấy dương tính, hay gọi cách khác là “âm tính giả”. Câu hỏi nhiều người đặt ra là vậy có phổ biến hay không trường hợp dương tính nhiều lần rồi cuối cùng ra kết quả âm tính, hay nói cách khác là “dương tính giả"?

Các hiện tượng âm tính giả xảy ra thường xuyên mà chúng ta thấy thường là do nguyên nhân trong mẫu lấy từ người bệnh không có, hoặc không có đủ virus để thấy được tín hiệu từ xét nghiệm. Nguyên nhân này nhìn chung là khó khắc phục vì loại virus này nhiễm chủ yếu ở vùng dưới của hệ hô hấp nên việc lấy mẫu phải được thực hiện tốt và chuyên nghiệp thì mới giảm được hiện tượng kết quả “âm tính giả”.

Hiện nay, việc lấy mẫu xét nghiệm ở vùng hầu họng vẫn được khuyến cáo sử dụng nhiều nhất vì khi nhiễm virus tập trung nhiều ở vùng này. Ngoài ra, trong một số trường hợp lấy mẫu trong giai đoạn số lượng virus không nhiều do trong giai đoạn quá sớm chưa có triệu chứng hoặc giai đoạn quá trễ khi người bệnh đã dần phục hồi nên thỉnh thoảng việc âm tính giả vẫn có thể xảy ra và nếu nghi ngờ thì việc lấy mẫu lại vẫn thường được thực hiện để xác nhận chắc chắn.

Khác với hiện tượng âm tính giả thường gặp ở trên, hiện tượng dương tính giả ít khi được nhắc đến khi sử dụng kỹ thuật này để phát hiện virus SARS-CoV-2. Để hiểu được điều này chúng ta nên biết kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR hiện nay mà các nơi đang sử dụng để chẩn đoán nhiễm virus nCoV là dựa trên trình tự đoạn gene (vật liệu di truyền) của virus, các đặc điểm nhận dạng được chọn ra để làm sao "chỉ có loài virus này có".

Do vậy, “tính đặc hiệu” của phương pháp này rất cao. Nói cách khác, việc “nhận dạng sai” để tạo ra kết quả dương tính giả trong việc chẩn đoán nhiễm virus nCoV của phương pháp này là cực kỳ thấp.

Ở nhiều nơi trên thế giới việc test kết quả dương tính ít khi nào phải test lại thêm 1 lần nữa, trừ những trường hợp tín hiệu dương tính quá yếu, không rõ ràng, hoặc các mẫu đối chứng âm, dương trong quá trình xét nghiệm có trục trặc, không thể dùng để so sánh được.

Do vậy, có thể nói khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng có kết quả dương tính rõ ràng trong lần xét nghiệm đầu tiên rồi thì 99.9% người bệnh này đã có virus trong người, do tỉ lệ dương tính giả đối với test này là “rất hiếm”.

Đến hôm nay 26.7, Đà Nẵng lại phát hiện bệnh nhân 418 - một bệnh nhân khác mắc COVID-19 trong cộng đồng, nguồn lây nhiễm vẫn chưa xác định được. Do vậy, số người nhiễm trong cộng đồng hiện nay vẫn chưa có thể dự đoán được! Hy vọng, các biện pháp phòng chống lây nhiễm đang được thực hiện khẩn trương ở Đà Nẵng bắt đầu từ hôm nay sẽ giúp kiểm soát được tình hình. Mọi người cần nâng cao cảnh giác trong thời gian này, rửa tay thường xuyên, ra ngoài đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác và hạn chế ra, vào Đà Nẵng trong thời gian này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn