MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Đoàn Thị Mỹ Danh - nhân viên trực tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM liên tục tiếp các cuộc điện thoại không rõ nội dung, phá rối thời gian qua. Ảnh: Huyên Nguyễn

70% cuộc gọi quấy phá, đùa cợt với 115 TPHCM

HUYÊN NGUYỄN LDO | 21/04/2020 14:45
“Họ gọi đến vờ hỏi chuyện rồi tán tỉnh, trêu ghẹo, thậm chí còn buông lời tục tĩu. Có người thì trong hơn 9 tiếng gọi tới 251 cuộc để quấy phá tổng đài. Đôi khi chỉ cần chậm vài phút có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh nên xin đừng ai đùa cợt, quấy phá nữa”, chị Đoàn Thị Mỹ Danh - nhân viên trực tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM chia sẻ.

9 tiếng, một thuê bao gọi 251 cuộc

Đã nhiều ngày nay, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, khối lượng công việc của các nhân viên trực tổng đài Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM dường như tăng lên gấp đôi, gấp 3. Thay vì chỉ làm việc 8 tiếng, giờ đây, mỗi người sẽ cần phải dành 12 tiếng/ngày cho công việc.

Khuôn mặt căng thẳng vì áp lực suốt những ngày qua, chị Đoàn Thị Mỹ Danh – người đã có 17 năm công tác chia sẻ: “Thời điểm này, thực sự chúng tôi rất vất vả. Ngoài trực cấp cứu như thông lệ, chúng tôi nhận thêm nhiệm vụ về công tác phòng chống COVID-19, trực taxi đưa đón bệnh nhân tại bệnh viện khi các hãng đều dừng hoạt động theo quy định. Tuy nhiên lại có nhiều cuộc gọi đến quấy phá”.

Theo chị Danh, hằng ngày có cả trăm cuộc gọi không có nội dung, chỉ nghe tiếng tivi, cười giỡn, có trường hợp gọi nhầm số…. Thậm chí, những đối tượng say xỉn, tâm lý không ổn định còn buông những lời chọc ghẹo, thậm chí là xúc phạm, chửi bới nhân viên.

Nhân viên trực điện thoại dù áp lực, khó chịu nhưng vẫn phải nhẹ nhàng khuyên ngăn. Mới đây, có số thuê bao trong hơn 9 tiếng đồng hồ đã gọi tới 251 cuộc.

Ngoài việc quấy rối, nhiều đối tượng còn thông báo tin cấp cứu giả.

Ông Nguyễn Trọng Hiển - Phó trưởng Phòng Điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 - kể: “Nhiều lần, chúng tôi nhận được điện thoại báo cấp cứu, bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Kíp trực vội vã lên đường nhưng khi đến nơi mới biết tin báo giả. Tình trạng này một tháng cũng có tới vài ca”.

Theo ông Hiển, nhiều người dân khi biết thông tin TPHCM hỗ trợ taxi miễn phí (trong thời gian cách ly xã hội) còn lạm dụng gọi điện cho Trung tâm yêu cầu xe cho dù không quá cần thiết. Có người đi siêu thị cũng gọi taxi miễn phí, khi được giải thích là không thuộc trường hợp gọi xe thì lại nặng lời với nhân viên.

Hiện tượng quấy phá, gây khó khăn tới 115 rất nhiều nhưng ông Hiển cho rằng rất khó xử lý và cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc những đối tượng vi phạm để tránh diễn ra tình trạng ách tắc thông tin liên lạc, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ảnh hưởng công tác phòng chống dịch bệnh

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi đến Công an và Sở Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị hỗ trợ xử lý số điện thoại gọi đến đầu số 115 để phá rối.

Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM Nguyễn Duy Long. Ảnh: Huyên Nguyễn

Theo bác sĩ Long, trong thời gian gần đây xuất hiện nhiều cuộc gọi không rõ nội dung, gọi đến phá rối (chiếm khoảng 70% tổng số cuộc gọi).

Cao điểm là vào ngày 15.4, trung tâm nhận được cuộc gọi từ một số thuê bao 096.881.xxx gọi đến đầu số 115 liên tục, với 251 cuộc (thời lượng từ 1 - 23 giây), thời gian gọi từ 14h12 – 23h42. Tuy nhiên, khi tổng đài viên bắt máy thì không có nội dung, chỉ nghe tiếng ti vi.

Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: Sau khi TPHCM triển khai 200 taxi hỗ trợ miễn phí người dân khi cần thiết trong thời gian cách ly xã hội và đưa vào hoạt động 62 chốt chặn kiểm dịch COVID-19 thì số cuộc gọi đến tổng đài 115 tăng đột biến.

Từ 400-500 cuộc gọi mỗi ngày trong đợt trước dịch thì bây giờ con số này đều khoảng 800 cuộc mỗi ngày. Cũng trong ngày 15.4, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM đạt đỉnh điểm với 1.259 cuộc gọi.

Giám đốc Nguyễn Duy Long nhấn mạnh, Trung tâm Cấp cứu 115 là một trong những "mắt xích" của ngành Y tế TPHCM trong công tác chống dịch với nhiệm vụ vận chuyển người có dấu hiệu nhiễm bệnh đến các cơ sở y tế; bên cạnh việc tiếp nhận cấp cứu tai nạn giao thông, y tế tại nhà.

“Việc có khoảng 70% cuộc gọi không rõ nội dung, quấy phá đã ảnh hưởng đến công tác xử lý các cuộc gọi thực sự cần thiết khác của người dân cũng như gây áp lực cho nhân viên tiếp nhận cuộc gọi, đặc biệt là trong bối cảnh khối lượng công việc tăng nhiều như hiện nay”, bác sĩ Long thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn