MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện tại Việt Nam đã tiêm được khoảng hơn 4,3 triệu liều vaccine COVID-19. Ảnh: Anh Tú.

70% dân số Việt Nam được tiêm vaccine COVID-19, liệu có đạt?

AN AN LDO | 21/07/2021 06:00
Việt Nam đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm 150 triệu liều vaccine COVID-19 cho 70% dân số. Tuy nhiên, với tiến độ tiêm hiện tại, nhiều người dân đặt câu hỏi liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đề ra.

Vaccine về nhanh mới tiêm nhanh được

Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7.2021 tới tháng 4.2022.

Bộ Y tế cho biết sẽ mở rộng độ bao phủ tiêm chủng, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho hơn 70% dân số đến cuối quý 1.2022. Hiện Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine. Tổng số liều đã được tiếp nhận là 8.998.750 liều. Song theo cập nhật dữ liệu mới nhất, số liều vaccine được tiêm mới chỉ là 4.305.501 liều (chiếm 4,4% dân số). Số người đã tiêm đủ 2 mũi chiếm một tỷ lệ hạn chế khoảng 0,3% dân số với 309.791 người.

Với tiến độ tiêm chủng như hiện tại, việc có chạm đến mốc 70% dân số hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, để có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng như đã đề ra cần làm rõ hai điều kiện quyết định.

"Tôi vẫn có niềm tin có thể đạt được bao phủ miễn dịch mà chúng ta đặt ra nhưng cần có được hai yếu tố. Thứ nhất cần có đủ nguồn vaccine. Từ đầu đến nay chúng ta vẫn đang tiếp cận vaccine khá thấp.

Tuy nhiên, trong tháng 7 tình hình bắt đầu khả quan hơn, chúng ta tiếp nhận được khá nhiều và cam kết được với nhiều hãng vaccine lớn như Sputnik V, Pfizer, Moderna,..."- ông Nhung nói.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, điểm mới là hiện nay Chính phủ, Bộ Y tế đã cho phép các công ty tập đoàn hợp sức đàm phán mua vaccine để đẩy nhanh việc tiếp cận vaccine. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung chúng ta vẫn cần tập trung hơn nữa vào việc làm thế nào để vaccine nhanh về nước.

"Yếu tố thứ hai là khi vaccine đã về rồi thì làm thế nào để tiêm nhanh. Chúng ta phải có bước tiếp cận nhanh nhưng tiêm hết sức an toàn theo phương châm của Bộ Y tế "tiêm đến đâu an toàn đến đấy".

Cũng theo ông Nhung, tới đây khi làm tổng thể, mỗi huyện sẽ là một cơ sở để tiêm vaccine thật tốt. Trong đó một xe cứu thương, một đội cấp cứu sẽ phụ trách cho 2 - 3 xã. Phải đặt xe cứu thương ở giữa địa bàn các xã, mỗi xã tiêm phải có 1 điều dưỡng hoặc 1 bác sĩ xử trí ngay lập tức và thông báo kịp thời với trung tâm tuyến huyện.

"Để làm nhanh, chúng ta nên làm cuốn chiếu, hết điểm này rồi đến điểm khác một cách an toàn. Chúng ta có một hệ thống y tế phân cấp rất bài bản nên phải sử dụng tốt mạng lưới y tế. Cứ tuyến trên hỗ trợ cho dưới, tuyến dưới có liên kết để nhờ hỗ trợ từ trên.

Việc tiêm chủng của chúng ta phải đạt được hai yếu tố đó thì mới có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% như đã đặt ra" - ông Nhung nêu ý kiến.

70% chỉ là con số ước tính

Trao đổi với phóng viên về việc tại sao lại đặt ra con số 70% dân số được tiêm, một chuyên gia tiêm chủng cho hay, nếu chúng ta biết hệ số lây nhiễm của bệnh thì chúng ta có thể giảm hệ số đó qua tiêm vaccine COVID-19 và tỷ lệ tiêm bao nhiêu để giảm được hệ số đó thì có rất nhiều tính toán.

"Cho đến giờ phút này con số 70% chỉ là một con số ước tính. Còn thực tế mà nói để đạt được 70% bảo vệ cộng đồng thì nhóm cần bảo vệ là nhóm từ 18 tuổi trở lên. Vaccine COVID-19 cho người dưới 18 tuổi tại Việt Nam rất ít và gần như chưa có.

Riêng người từ 18 tuổi trở lên mới chỉ chiếm 80% dân số. Nên chúng ta phải tìm cách tiêm vaccine cho toàn bộ nhóm tuổi trên 18 tuổi và tiêm cho nhóm độ tuổi thấp hơn khi có những vaccine phù hợp thì chúng ta mới đạt được 70%" - vị chuyên gia tiêm chủng này phân tích.

Theo vị chuyên gia này, 70% thực ra là một con số rất khó đạt được.

Về tình hình tiêm vaccine COVID-19 tại TPHCM, thep PGS.TS Viết Nhung, tiêm vaccine là cần thiết và Bộ Y tế đang ưu tiên cho TPHCM. Tuy nhiên, vaccine không giải quyết được dịch ở TPHCM ngay tức khắc. Vì thế bây giờ can thiệp để dập dịch nhanh nhất là người dân phải thực hiện 5K và Chỉ thị 16 một cách nghiêm chỉnh.

"Trong lúc vaccine cần thời gian để sinh kháng thể, chúng ta cần chống quá tải, chú trọng công tác điều trị, tăng cường phát hiện. Đặc biệt cần sử dụng hệ thống y tế tư nhân chứ không chỉ y tế công lập. Ngay cả phòng khám phòng mạch cùng cần vào cuộc. Chúng ta cần sử dụng nguồn lực tối ưu để thêm sức mạnh vượt qua vụ dịch này" - PGS.TS Nhung phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn