MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên trong khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phạm Đông

"Ai rồi cũng thành F0": Khác biệt giữa tâm lý lạc quan và lơ là phòng bệnh

Phạm Đông LDO | 19/02/2022 10:24

Trước tâm lý chủ quan “ai rồi cũng thành F0”, chuyên gia y tế cho rằng, không nên có ý nghĩ "muốn mắc COVID-19" vì sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Nếu lơ là, chủ quan, số lượng F0 sẽ tăng lên rất nhanh trong giai đoạn rất ngắn, gây quá tải hệ thống y tế.

Đã tiêm đủ liều vaccine nên không sợ "COVID-19"

Thường xuyên phải đi lại, tiếp xúc vì làm nghề lái xe, anh Lê Trung Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) không quá bất ngờ khi biết mình là F0. Ngày 15.2, thấy bản thân hơi sốt và có triệu chứng ho nên anh đã tự làm xét nghiệm tại nhà bằng kit test và cho kết quả "2 vạch". Sau đó, anh đi xét nghiệm PCR khẳng định dương tính với chỉ số CT 17.

Tuy nhiên, qua trao đổi, anh Nguyên cho hay, tại Hà Nội, tỉ lệ người là F0 mỗi ngày đều ở mức cao. Do đó, anh đã sẵn sàng tâm lý mắc COVID-19 từ lâu. Cũng theo chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của anh cũng có suy nghĩ "ai rồi cũng sẽ thành F0". Do đó, việc chẳng may bị mắc COVID-19 không còn là vấn đề đáng bận tâm, nhất là sau khi đã được tiêm 2 mũi vaccine.

Tương tự, anh Hoàng Xuân Trường (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ, hầu hết những người đã tiêm đủ liều vaccine khi mắc bệnh triệu chứng rất nhẹ, chỉ điều trị tại nhà 20 ngày là có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Do đó, bản thân anh không còn thấy sợ COVID-19 như trước nữa. Không những vậy, anh còn nghe bạn bè, đồng nghiệp nói bị rồi sẽ không mắc nữa nên khi chung sống với dịch thì “bị trước cũng được”.

Bên cạnh những trường hợp chủ quan, nhiều người đã và đang là F0 lại có cái nhìn hoàn toàn khác khi mắc bệnh. Theo đó, nhiều người không may thành F0 đã có cái nhìn lạc quan về dịch bệnh để giữ cho tinh thần thoải, sớm phục hồi lại sức khoẻ.

Đang trong thời gian điều trị COVID-19 tại nhà, chị Lưu Quỳnh An (Chung cư Hateco Xuân Phương, Phương Canh, Nam Từ Liêm) cho biết, chị là người cuối cùng trong gia đình trở thành F0. Trước đó, lần lượt chồng, bà ngoại, con gái sống cùng nhà đều đã mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh.

Theo chị An, đôi khi việc trở thành F0 là điều khó tránh khỏi nếu như đồng nghiệp hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh. Tuy nhiên, mọi người không nên chủ quan, có tâm thế sẵn sàng mắc bệnh mà lơ là không đeo khẩu trang, không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.

Những dòng chia sẻ với tiêu đề “ai rồi cũng sẽ thành F0“ để giúp mọi người lạc quan, không sợ hãi với dịch bệnh.

Về suy nghĩ "ai rồi cũng trở thành F0", chị An cho rằng, điều này tuỳ thuộc vào thái cực đón nhận của mỗi người. Với những người không may mắc bệnh, suy nghĩ này sẽ tích cực, để họ không sợ hãi và sớm chiến thắng dịch bệnh. Tuy nhiên, với những ai có suy nghĩ "bị rồi cho xong" mà buông lỏng các biện pháp phòng dịch thì sẽ rất đáng lo ngại.

Dòng trạng thái chia sẻ lại câu chuyện mắc COVID-19 và tự điều trị tại nhà với tinh thần lạc quan.

Trả giá đắt nếu buông lỏng các biện pháp chống dịch

Có thể thấy, tâm lý "chấp nhận có thể mắc COVID-19" đang xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ người dân, khi những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trong nước liên tục tăng cao tại 63 tỉnh, thành phố. Nhiều người đã tiêm đủ mũi vaccine lại có suy nghĩ "ai rồi cũng thành F0", khi khỏi bệnh sẽ "bất tử" với COVID-19. 

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nhấn mạnh, tình trạng một bộ phận người dân "buông lỏng" các biện pháp chống dịch từ tâm lý chủ quan trước COVID-19 là rất đáng báo động.

Bác sĩ Hùng cũng cho biết, không ít trường hợp đã tiêm đủ mũi vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19. Trước hết phải nhắc đến nguy cơ bản thân mắc bệnh và lây nhiễm cho những người thân trong gia đình. Đặc biệt là sẽ rất nguy hiểm cho trường hợp nguy cơ cao như người có bệnh nền, người cao tuổi, hoặc đối tượng hiện tỷ lệ phủ vaccine vẫn thấp như trẻ em.

Chuyên gia y tế nhận định, khi số ca bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế, nhóm có nguy cơ diễn biến nặng cao như người cao tuổi, người có bệnh nền sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất. Khi số F0 tăng quá nhanh và vượt mức này gây tình trạng quá tải sẽ dẫn đến việc không đảm bảo trong công tác chăm sóc y tế, từ đó tăng nguy cơ chuyển nặng và thậm chí là tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.

"Có những trường hợp bệnh nhân nặng khi cơ sở y tế vận hành bình thường sẽ được đáp ứng chăm sóc nhiều hơn nên cơ hội sống của họ sẽ cao hơn. Tuy nhiên, khi cơ sở y tế quá tải, khả năng chăm sóc y tế giảm xuống, đồng thời cũng sẽ làm giảm cơ hội sống của họ" - BS Hùng phân tích.

Ngoài ra, dù người đã được tiêm đủ mũi vaccine COVID-19 có tỉ lệ chuyển biến nặng được hạn chế rất nhiều nhưng không phải là không có. Do đó, người đã tiêm vaccine, thậm chí là mũi 3 cũng không được chủ quan với dịch bệnh.

Nhiều trường hợp chia sẻ việc không biết nguồn lây bệnh để cảnh báo mọi người.

Một chuyên gia y tế khác lưu ý, người dân không nên có tâm lý “sẵn sàng mắc bệnh”, dù là khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn, nhưng lại là nguồn lây cho người khác.

Nói về tâm lý “ai rồi cũng thành F0”, chuyên gia y tế cho rằng,  sẽ ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Khi đó, số lượng ca nhiễm xảy ra trên diện rộng và đồng loạt, virus có cơ hội sẽ nhân lên nhiều lần, sẽ xảy ra đột biến như Omicron hay một biến thể mới nào đó, rất nguy hiểm. 

Đặc biệt hậu di chứng COVID-19 cực kỳ nguy hiểm, có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực. Người mắc COVID-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như: Sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực, rối loạn nội tiết...

Với người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản mạn… khi COVID-19 xảy ra trên nền bệnh đó có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn