MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài giờ hành chính, bác sĩ Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (trái) khám bệnh cho người nghèo tại Phòng khám nhân đạo do chính ông khởi xướng (ảnh chụp trước 1.4.2020). Ảnh: Lục tùng

Bác sĩ Bửu 20 năm khám bệnh miễn phí

Lục Tùng LDO | 01/05/2020 14:08
“Hạnh phúc nhất của người thầy thuốc là được chữa bệnh cho mọi người, nhất là người nghèo. Vì sau đó sẽ nhận được thứ thù lao còn mãi với thời gian. Đó là những lời tri ân chân thật xuất phát từ đáy lòng”-  bác sĩ (BS) CK II Đoàn Tấn Bửu - đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ với Lao Động về hành trình 20 năm duy trì khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Miễn phí chất lượng cao

11h30 sáng thứ Bảy, đúng hẹn, tôi đến Phòng khám Nhân đạo Đồng Tháp (PKNĐ ĐT) nằm trên đường 30.4 (TP.Cao Lãnh), nhưng BS Bửu và các cộng sự vẫn đang tất bật với hàng chục người bệnh đang chờ. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người bệnh mới tìm đến.

Vừa bước vào, bà Nguyễn Thị Hai (huyện Thanh Bình) được nhân viên y tế hướng dẫn đến bàn tiếp nhận bệnh, nhận số thứ tự, rồi đưa đến hàng ghế chờ đến lượt khám. Tất cả diễn ra một cách trật tự, thân thiện. “Sao bà đến trễ...” - không đợi tôi dứt lời, bà Hai nói ngay: “Hôm nay đứa cháu bận việc đột xuất hết buổi sáng mới về tới nhà. Biết trễ, nhưng tôi vẫn quyết định đến vì biết thầy thuốc ở đây khám đến hết bệnh mới thôi”. 

Năm nay đã ngoài 70, bà Hai mắc chứng huyết áp và nhức mỏi hành hạ triền miên, nhưng gia cảnh khó khăn nên gần chục năm trước chỉ trị theo kiểu tự mua thuốc uống. Vì thế, bệnh cũ không hết mà còn kéo thêm bệnh mới như phù chân, tay. Đau nhức hành hạ, bà Hai tưởng như sắp theo ông, theo bà. Thế nhưng, khi được người quen giới thiệu, bà Hai tìm đến PKNĐ ĐT thì khỏe mạnh lại. Giờ chỉ uống thuốc huyết áp. Đối với người nghèo như bà Hai, đó điều này hơn cả phép lạ. Bởi đến đây, không chỉ được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, mà còn nhận được cả tấm lòng sẻ chia. “Hồi đầu cũng ngại và mặc cảm thân phận lắm, nhưng đến thì mọi thứ tan biến vì mấy cô chú thầy thuốc ở đây chu đáo, ân cần lắm”- bà Hai cho biết thêm - “Đặc biệt là khám, cấp thuốc  rất hay. Uống vài lần là thấy hiệu quả nên tin tưởng và gắn bó suốt từ đó đến nay”.

Ngồi cạnh bên, cụ Lê Thị Khuyên - 85 tuổi (TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng cho biết, dù là hộ nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng vẫn thích đến đây khám và nhận thuốc. Vì thầy thuốc ở đây khám kỹ, cho thuốc viết rõ ràng và nhất là thái độ rất vui vẻ, tận tình. Tuy nhiên điều khiến cho các cụ có gia cảnh khó khăn như bà Hai, bà Khuyên thêm quý mến ở phòng khám này chính là chế độ miễn phí có khuyến mãi. Ngoài việc tự do nước uống tinh khiết tự do cơ sở y tế sản xuất, người đến sớm còn được cung cấp thêm sữa đậu nành và người khám vào giờ trưa được cung cấp cơm, hoặc cháo. “Toàn bộ đều do các nhà hảo tâm tự nguyện đóng góp, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm” - BS Bửu nhấn mạnh - “Tôi và toàn bộ nhân viên phòng khám cũng thường xuyên sử dụng thực phẩm này”.

Từ tự phát đến tự giác

“Phòng khám được hình thành từ sự tự phát của thầy thuốc chứng kiến người dân nghèo mắc bệnh mà thiếu được điều trị đúng” - BS Bửu đưa chúng tôi trở về với hành trình đầy tâm huyết của đội ngũ thầy thuốc đất Sen Hồng. Chuyện bắt đầu vào năm 2000. Con lũ hung hãn đầu thế kỷ như nhấn chìm các vùng trũng của Đồng Tháp, dồn đẩy đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây vào thế chân tường. Bốn bề ngập nước, bệnh tật bủa vây. Vai trò là chuyên viên của Sở Y tế, có điều kiện tận mắt chứng kiến người dân quằn mình trong bệnh tật vì thiếu thầy, “thiên chức thầy thuốc” đã thôi thúc BS Bửu vào cuộc.  

Thế là kêu gọi bạn bè đồng nghiệp có cùng chí hướng tham gia, rồi tổ chức đoàn đến các huyện vùng ngập sâu như Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh... khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Sau một tuần hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, nhóm bác sĩ thiện nguyện dành trọn ngày chủ nhật để đến tận nơi khám bệnh cho dân. Tuy số thuốc đơn điệu và khiêm tốn, nhưng với lòng nhiệt tình và yêu nghề, nhóm thầy thuốc đã mang đến người dân vùng quê nghèo niềm vui lớn. Bởi ngoài việc cấp đúng thuốc, hướng dẫn uống đúng giờ, các thầy thuốc còn tận tình tư vấn để người dân tự phòng ngừa các bệnh thông thường như nhức đầu, cảm nước... Lũ rút, nhưng nhóm thầy thuốc vẫn chưa thể ngừng, vì người dân đối mặt với bệnh tật do ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm.

Sau một năm gắn bó, nhận thấy do nhiều khó khăn và bất cập như đường sá, địa điểm, thuốc men... khiến nhiều người dân vẫn còn thiếu thốn về công tác chăm sóc sức khỏe nên BS Bửu đã mạnh dạn đề xuất thành lập PKNĐ ĐT dành cho bệnh nhân khó khăn, trụ sở đặt cố định thị xã Cao Lãnh - nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Phòng khám hoạt động vào sáng thứ Bảy trong tuần.

 Vạn sự khởi đầu nan, dù có thừa nhiệt tình, nhưng cả nhóm gần như choáng khi trong tay chỉ là con số 0. Với phương châm “hữu xạ tự nhiên hương”, BS Bửu tìm cách tự lực duy trì hoạt động. Ngoài việc đích thân đến các bệnh viện, cơ sở dược phẩm xin thuốc, ông còn mang nhiều y cụ trong gia đình ra cho phòng khám. Nhưng điều khiến cho nhiều lãnh đạo, đồng nghiệp cảm phục là ông Bửu còn “hy sinh” cả việc mở phòng mạch tư của mình. Để đảm bảo tư cách pháp nhân cho phòng khám hoạt động, phải có người đứng ra làm thủ tục chịu trách nhiệm chuyên môn. Điều này đồng nghĩa với việc không được mở phòng mạch riêng cho gia đình mình, nhưng BS Bửu đã tự giác chấp nhận. Chính điều này đã thuyết phục nhiều nhà hảo tâm tìm đến và gắn bó. Thế là từ chỗ phải chạy vạy tìm từng viên thuốc, phòng khám đã được nhiều công ty dược cam kết cung cấp lâu dài, nhiều doanh nghiệp tư nhân tự nguyện góp tiền mua thuốc ngoài danh mục, nấu sữa đậu nành, cơm, cháo cung cấp miễn phí cho người bệnh. Với phương châm hành động: “Không phân biệt thành phần, địa phương”, PKNĐ ĐT được người bệnh trong và ngoài tỉnh tìm đến. Bình quân mỗi sáng thứ Bảy, đón nhận 300 - 400 người. Vì vậy tuy thông báo thời gian làm việc từ 7-11 giờ, nhưng hơn chục năm nay, lần nào phòng khám cũng kết thúc sau 12h.

 Sau này, khi trở thành lãnh đạo Sở Y tế, giờ là đương kim Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vị  BS bước qua tuổi 55 này vẫn gắn bó và là trụ cột, đầu tàu của phòng khám đến mức người dân quen miệng gọi là “Phòng khám bác sĩ Bửu”.

Cơ sở rèn y đức

Để đáp ứng tốt việc khám và điều trị bệnh cho bà con, cần có lực lượng nhân sự tương ứng. Đây là điều không dễ, trong bối cảnh “y khoa là nghề hái ra tiền”. Thế nhưng, bằng phương pháp “hữu xạ, tự nhiên hương”, BS Bửu cùng bạn bè âm thầm làm. Từ những kết quả cụ thể, đã dần dần lôi kéo thầy thuốc từ nhiều đơn vị, thậm chí là học viên Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp tình nguyện tham gia. Thế là phải lên lịch để mọi người đều được cống hiến. Cụ thể: Tuần thứ 1 và thứ 2 trong tháng, thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa  Đồng Tháp đảm nhận; tuần thứ 3 do các thầy thuốc ở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh phụ trách; tuần thứ 4 là công việc của đội ngũ thầy thuốc tại Bệnh viện Quân dân y và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh trực. Trường hợp, tháng có 5 tuần thì tất cả chung tay làm. Dù đến từ nhiều nơi lại hoạt động theo cơ chế từ thiện, nhưng thầy thuốc ở “Phòng khám bác sĩ Bửu” luôn giữ được y đức của “từ mẫu”.

“Đến đây, ngoài thuốc, còn nhận được nụ cười, niềm vui”- đó là cảm xúc của nhiều bệnh nhân khi được hỏi về Phòng khám nhân đạo tỉnh Đồng Tháp.

Thật vậy, dù từ nhiều đơn vị hội tụ về làm việc một buổi trong tuần với quân số lên đến 25 người hoạt động từ thiện, nhưng tất cả từ nhân viên phục vụ cho đến y, bác sĩ, dược sĩ ở đây đều có chung nhận thức và hành động tôn trọng với mọi bệnh nhân. Khiến cho người ngoài cuộc như tôi nhìn vào là liên tưởng đến câu chuyện về bà Tiên, ông Bụt hay giúp người nghèo khó trong chuyện cổ tích. Bởi ngay cả vấn đề nhỏ như ra toa thuốc cũng được người đi trước “tôi luyện” cho người đi sau. Đã nghỉ hưu từ nhiều năm, nhưng dược sĩ đại học Nguyễn Thị Diễm Chi không chỉ gắn bó với công việc mà còn quan tâm rèn đồng nghiệp trẻ. Bà rất cương quyết trả lại các toa thuốc viết chữ chưa rõ nét, viết chưa đúng thành phần hóa học, hay liều lượng... “Tôi trả lại và buộc thầy thuốc ra toa mới không phải là làm khó, mà muốn rèn luyện cho đồng nghiệp một cách cụ thể về sự tôn trọng người bệnh”- dược sĩ Chi cho biết.

Vì thế, với nhiều người, Phòng khám Nhân đạo tỉnh Đồng Tháp không chỉ là nơi người nghèo được khám bệnh, mà còn là môi trường rèn luyện y đức cho đội ngũ thầy thuốc trẻ một cách thiết thực. Đó cũng chính là mục tiêu mà BS Bửu đặt ra ngay khi khởi đầu cơ nghiệp. “Tôi quán triệt trong toàn phòng khám phương châm: làm từ thiện là mang đến người nhận sự hài lòng” - BS Bửu nhấn mạnh: “Bởi hơn ai hết, người nghèo rất nhạy cảm vì luôn mang trong mình sự mặc cảm, tự ti. Vì thế, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong hành xử, ứng xử của nhân viên sẽ làm tổn thương tâm lý, thậm chí hơn thế nữa ở người bệnh”.

20 năm âm thầm duy trì phòng khám bệnh từ thiện, BS Bửu không chỉ giúp hàng ngàn người bệnh, nhất là người nghèo vượt qua nỗi đau bệnh tật, mà còn góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để chăm lo, bảo vệ và trân quý sức khỏe, mạng sống người bệnh, nhất là người nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn