MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân ngộ độc thuốc nam phải cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Mai Thanh

Bác sĩ cảnh báo người dân cảnh giác khi uống thuốc nam

Thùy Linh LDO | 15/02/2023 12:22

Thời gian qua, không ít bệnh nhân phải nhập viện vì sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, dẫn đến ngộ độc. Theo các chuyên gia, các sản phẩm tự pha chế, được bán với quảng cáo là "thuốc nam" có thể gây ra nhiều mối nguy cho sức khỏe. 

Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh- Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phải thốt lên: "Người dân hãy cẩn trọng với tất cả những thứ gọi là thuốc nam" khi anh chứng kiến một người cùng quê bị ngộ độc thuốc nam. 

"Đầu năm lại thêm 1 người bà con cùng quê ngộ độc thuốc nam. Khoảng 1 tháng trước, anh H thấy người mệt mỏi, ăn kém, nghe bà con mách, anh mua thuốc nam về tự uống, bệnh không thấy đỡ chỉ mệt thêm. Da càng ngày càng vàng, mắt vàng, tiểu sẫm. 

Gia đình gọi cho bác sĩ, mình khuyên nhập viện ngay, kết quả xét nghiệm khi nhập viện thể hiện tình trạng viêm gan nhiễm độc (do thuốc nam) khá nặng. Cũng may bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời nên chưa ảnh hưởng đến tính mạng"- bác sĩ Vĩnh kể lại.

Theo các bác sĩ, ca bệnh trên được chẩn đoán suy gan- tắc mật nghi do sử dụng thuốc nam.

Đây không phải là lần đầu tiên, người dân phải nhập viện vì ngộ độc thuốc nam. Trước đó, tháng 12.2022, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 2 trường hợp là một bệnh nhi 6 tuổi thận hư, phù cơ thể tăng đến 8kg; và một bệnh nhi 16 tuổi rơi vào tình trạng suy thận nặng do gia đình tự ý sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hằng năm đều tiếp nhận không ít bệnh nhân ngộ độc thuốc nam. 

Mới đây nhất, bệnh nhân nam 63 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội) phải nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng, sau khi dùng "thuốc nam" chữa tiểu đường không rõ nguồn gốc với giá 10 triệu đồng.

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử tiểu đường. Nghe thông tin từ người quen rằng có loại thuốc chữa tiểu đường rất tốt, là loại thuốc nam dạng viên, 20 gói giá 10 triệu đồng, ông mua về dùng.

Sau khi dùng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân bị đau bụng, nôn mửa nên được người nhà đưa đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Xét nghiệm viên thuốc mà bệnh nhân uống, các bác sĩ tìm thấy thành phần thuốc là phenformin - một loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.

Một loại ngộ độc khác cũng thường gặp ở nước ta là ngộ độc chì thường do hấp thu chì qua đường tiêu hóa, do uống các thuốc nam. Đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc như Mẫu đơn, Chu sa, Thần sa (trong thành phần có kim loại nặng hàm lượng cao)...

Biểu hiện của bệnh thường là các dấu hiệu và triệu chứng do tổn thương gây độc tế bào đối với nhiều cơ quan, đặc biệt là về hệ tiêu hóa: Chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón.

Nếu ngộ độc nặng có các biểu hiện của suy gan, suy thận, mệt mỏi, vàng da, tiểu ít, thậm chí vô niệu, xét nghiệm thấy men gan, bilirubin, ure, creatinin máu tăng dần. Ngoài ra có thể gặp các dấu hiệu khác về thần kinh trung ương như đau đầu, kích động, ảo giác nhưng thường ít gặp hơn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác trước các lời quảng cáo, chào mời các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc, không có thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế.

"Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng thông tin liên quan để chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có biện pháp ngăn chặn ngộ độc xảy ra với người khác", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn