MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những sai lầm thường gặp khi trẻ bị sốt cao do COVID-19. Ảnh minh họa: LĐO

Bác sĩ chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khi trẻ bị sốt cao do COVID-19

Bác sĩ CAND Trần Hoàng Tiến - Học viện Quân y LDO | 19/03/2022 07:20

Bác sĩ Công an Nhân dân Trần Hoàng Tiến - Học viện Quân y đã chỉ ra những sai lầm mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi trẻ sốt cao do COVID-19.

Sai lầm thứ nhất: Các bậc phụ huynh thường chăm chú vào việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ mà quên mất rằng điều cần thiết là phải bổ sung nước, điện giải cho trẻ. Khi sốt cao cơ thể trẻ sẽ mất nước qua da, hơi thở và có thể mất nước qua nôn và tiêu chảy.  

Theo đó, nhóm trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các ảnh hưởng xấu của mất nước vì nhu cầu lượng dịch cơ bản cao (do tỉ lệ trao đổi chất cao hơn), mất dịch do bay hơi cao hơn và không có khả năng diễn đạt khát hay tìm dịch.

Vì vậy, việc bù đủ nước và điện giải giúp cho cơ thể trẻ đạt được trạng thái cân bằng nội môi và làm cho việc hạ sốt của cơ thể hiệu quả, đồng thời dễ long đờm, giảm đau rát họng.

Phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu mất nước nặng như trẻ uống nước háo hức, kích thích quấy khóc, hoặc lừ đừ li bì, mắt trũng, môi khô, cân nặng sụt trên 10% trong lượng cơ thể, mạch nhanh, đi tiểu rất ít, nước tiểu vàng sậm.

Để xử trí tình trạng trẻ mất nước, mẹ cần tích cực bù nước và điện giải theo các công thức: pha 200ml hoặc 1 lít nước tùy gói, uống từng thìa và chén nhỏ, liên tục rải đều cả ngày và tăng lên khi trẻ sốt cao, nôn tiêu chảy. Bên cạnh đó, trẻ đang bú sữa mẹ thì cần tăng cường cho bú mẹ.

Sai lầm thứ 2: Sử dụng thuốc hạ sốt sai cách.

Cha mẹ chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C (trong trường hợp trẻ đã sốt cao co giật thì sử dụng khi nhiệt độ của trẻ trên 38 độ C).

Theo đó, sử dụng paracetamol liều lượng 10-15mg/kg cân nặng, cách 4-6 tiếng mới dùng lại một lần; không dùng quá 4000mg (đối với trẻ thừa cân béo phì) và 60mg/kg (đối với trẻ nhỏ).

Do tâm lý lo lắng, sợ hãi mỗi khi con sốt cao dẫn đến co giật nên nhiều phụ huynh đã cho trẻ uống 2 lần liên tiếp paracetamol, cách nhau dưới 4 tiếng. Thậm chí, nhiều phụ huynh không biết rằng viên đặt hậu môn hạ sốt có cùng bản chất với paracetamol (dùng thay thế đường uống khi trẻ nôn nhiều) nên đã dùng đồng thời cả đường uống và đường hậu môn gây quá liều cho trẻ.

Ở trường hợp khác: Các mẹ thường tự ý sử dụng ibuprofen nhưng không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Theo đó, ibuprofen là một thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) có tác dụng hạ sốt rất tốt, thời gian cắt sốt kéo dài nhất là khi bệnh nhân sốt cao khó hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol (sau 2 giờ kể từ khi sử dụng hạ sốt thì trẻ vẫn sốt trên 39 độ C), nhưng nó chống chỉ định trong các trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng (do nguy cơ xuất hiện biến chứng thủng ổ loét và chảy máu), sốt xuất huyết dengue (thuốc làm ức chế ngưng tập tiểu cầu dẫn đến nguy cơ xuất huyết đa cơ quan).

Sai lầm thứ 3: Khi sốt cao mẹ thường đắp chăn cho trẻ, việc này làm cho cơ thể khó đào thải nhiệt, cơn sốt cao hơn và kéo dài hơn.

Do đó, mặc dù trẻ cảm thấy rất lạnh muốn đắp chăn nhưng  mẹ hãy cởi bớt quần áo, mặc quần áo thoáng dễ thấm mồ hôi, kết hợp chườm ấm vào những nơi có mạch máu lớn đi qua (cổ, nách, bẹn).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn