MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế khiến người dân phải mua thuốc bên ngoài với giá cao.

Bác sĩ gặp khó, bệnh nhân kêu trời vì thiếu thuốc, thiếu cả hướng dẫn

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 11/02/2023 12:49

Điện Biên – Trong khi ngành y tế đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu thuốc thì nhiều người dân vẫn đang phải tự mua thuốc với giá cao.

Có BHYT vẫn phải tự thanh toán vì bệnh viện hết thuốc

Phản ánh đến Báo Lao Động, nhiều người dân tại TP Điện Biên Phủ cho biết, khi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế (BHYT) nhưng họ chỉ được bác sĩ kê đơn, sau đó phải tự ra ngoài mua thuốc.

Cầm trong tay một túi nilon chứ 4-5 loại thuốc, chị Trần Thị Ánh N ở phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ cho biết: “Những tháng trước đi khám bằng BHYT tại bệnh viện được cấp thuốc, nhưng lần này bệnh viện hết thuốc nên tôi phải tự đi mua mất hơn 600 nghìn đồng”.

Một chủ hiệu thuốc lớn tại TP Điện Biên Phủ cũng cho biết, thời gian gần đây số người đi mua thuốc theo đơn nhiều hơn  hẳn những tháng trước đó.

Ông Trương Hữu T (60 tuổi) ở Tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ cho biết: “Tôi bị bệnh tiểu đường và huyết áp cao, tháng nào cũng phải đi khám định kỳ vì có BHYT. Từ cách đây 3 tháng tôi đi khám tại Bệnh viện Y học cổ truyền đã được thông báo là hết thuốc”.

Số thuốc bà Nguyễn Thị L được cấp kèm theo 1 đơn thuốc khi đến khám tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Ảnh: Văn Thành Chương

Bà Nguyễn Thị L (65 tuổi) ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ bị bệnh huyết áp thấp và mỡ máu phải đi khám và lấy thuốc hằng tháng tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Lần gần nhất là ngày 8.2 bà L đi khám chỉ được cấp 1 đơn thuốc cùng 3 hộp thuốc “sáng mắt”.

“Trước đây tôi đi khám chỉ mất khoảng hơn 20 nghìn đồng và được cấp đủ loại thuốc theo danh mục BHYT, lần này phải tự đi mua bên ngoài. Chỉ tính riêng 1 loại thuốc đã hết gần 400 nghìn” – bà L cho hay.

Nhiều bệnh nhân như ông T, bà L cùng có chung thắc mắc là mặc dù họ có thẻ BHYT nhưng lại phải bỏ tiền túi ra mua thuốc bên ngoài với giá cao mà không biết có được bảo hiểm thanh toán không?

Phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Trọng Ninh – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền – nơi có các bệnh nhân phản ánh. Ông Ninh cũng thừa nhận thực trạng bệnh viện đang thiếu 1 số loại thuốc và đã tổ chức đấu thầu nhưng chưa có kết quả.

 Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thanh Bình

“Từ quý 4 năm 2022 chúng tôi đã tiến hành các bước tổ chức đấu thầu, đến ngày 13.1.2023 đã mở thầu. Tuy nhiên trong 4 gói thầu thì 2 gói không có nhà thầu tham dự, 1 gói chỉ đạt 39%, gói còn lại đạt 67%” – ông Ninh cho hay

Theo lời vị giám đốc bệnh viện, với một số trường hợp thiếu thuốc, bệnh viện cũng không có thuốc thay thế, bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh đi mua bên ngoài. Theo quy định, người dân có thể lấy hóa đơn rồi thông qua bệnh viện để thanh toán với BHYT.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lẫn người dân cũng chưa nắm rõ thông tin này nên nhiều trường hợp bỏ qua quyền lợi. Chưa kể nhiều loại thuốc mua ngoài không nằm trong danh mục bảo hiểm, hoặc chênh lệch giá so với định khung bảo hiểm nên gặp khó khăn trong quá trình thanh toán.

Lãnh đạo Sở Y tế nói gì?

Theo ông Phạm Giang Nam – Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, việc tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện nay gặp rất nhiều khăn. Nguyên nhân chính là giá thuốc được quy định nằm trong danh mục thấp hơn giá thuốc ngoài thị trường.

 Trong khi ngành y tế đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán thiếu thuốc thì người dân vẫn phải chờ... Ảnh: Văn Thành Chương

“Hiện nay đang xảy ra tình trạng các đơn vị cung ứng bỏ thầu hoặc không tham gia thầu nên các đơn vị chậm hoàn thành thủ tục đấu thầu. Từ đó xảy ra nguy cơ khan hiếm hoặc thiếu thuốc” – ông Nam cho hay.

Về giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên cho biết Sở đã có tờ trình UBND tỉnh Điện Biên xin ý kiến về việc giao cho các đơn vị tự tổ chức mua sắm đối với các loại thuốc không trúng thầu cho đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu bổ sung. Tuy nhiên vẫn phải chờ ý kiến trả lời của UBND tỉnh mới triển khai được.

Để đảm bảo quyền lợi trước mắt cho người dân có tham gia BHYT, ông Phạm Giang Nam cho biết: “Sở đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chủ động liên hệ với các đơn vị kinh doanh để lấy thuốc giúp cho bệnh nhân, sau đó sẽ đề nghị thanh toán với BHYT, hạn chế việc để người dân phải tự đi mua”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn