MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: BVCC

Bác sĩ ồ ạt bỏ bệnh viện công sẽ tạo ra "làn sóng" khác đối với ngành y tế

Thùy Linh LDO | 16/07/2022 08:10

Gần 9.400 y bác sĩ đã thôi việc, bỏ việc thời gian qua, ngành y tế đang phải đối mặt thách thức rất lớn. 

Trao đổi với phóng viên Lao Động, một lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Y tế cho biết: Gánh nặng công việc sau COVID-19 đối với các y bác sĩ là rất vất vả. Trong khi đó, các đơn vị ngoài công lập hiện nay không chỉ trả lương y bác sĩ gấp 4- 5 lần, mà có nơi còn trả gấp 10- 20 lần so với các đơn vị công lập.

Hơn nữa, hiện nay, gánh nặng công việc tại bệnh viện công thì vất vả, áp lực nhiều, khi tại nhiều đơn vị, máy móc thiết bị y tế chưa tháo gỡ được do vướng mắc, việc đấu thầu thuốc còn chậm, thiếu thuốc, thiếu vậy tư y tế... khiến cho các bác sĩ giỏi không thể thể hiện được tay nghề của họ. Trong khi đó, ở các đơn vị y tế ngoài công lập thì lại đầy đủ hơn, tạo điều kiện để họ làm việc, vì thế họ mới ra ngoài. 

"Chủ trương của Trung ương và trong Luật cũng quy định, không có sự phân biệt giữa y tế công lập và y tế ngoài công lập. Xét cho cùng, các bác sĩ từ các bệnh viện công lập chuyển sang bệnh viện tư, cũng đều làm nhiệm vụ khám và chữa bệnh cho nhân dân. Vì thế không thể nói là "chảy máu chất xám", "chảy máu nhân lực"...

Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu cứ để tình trạng như vậy tiếp diễn, sẽ xuất hiện tình trạng thiếu y bác sĩ ở bệnh viện công lập, sẽ tạo ra một làn sóng thu hút nhân lực y tế từ các tỉnh, từ vùng sâu vùng xa đổ về các bệnh viện tuyến trung ương đang cần, đặc biệt là các y bác sĩ giỏi"- đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ nói.  

Như vậy, theo đại diện này, việc bác sĩ bỏ bệnh viện công ồ ạt như thời gian vừa qua sớm muộn cũng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp dịch vụ y tế ở tuyến tỉnh, ở vùng sâu vùng xa, người dân sẽ rất khổ, sẽ thiệt thòi trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế.

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, theo đại diện Vụ Tổ chức- Cán bộ, đầu tiên là lãnh đạo các cơ sở y tế, các bệnh viện phải làm sao ổn định về tư tưởng cho anh em, cán bộ nhân viên y tế. 

Giải pháp của Bộ Y tế hiện nay, vẫn đang tiếp tục xây dựng chế độ chính sách để thu hút nguồn nhân lực. Đơn cử như Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ, tăng cường hệ số phụ cấp ưu đãi nghề, các chế độ khác sẽ đảm bảo hơn... để tạo động lực cho bác sĩ, giữ chân bác sĩ, tạo điều kiện bằng cách bố trí vị trí việc làm phù hợp, tạo điều kiện về trang thiết bị y tế, nơi làm việc... để khuyến khích động viên.

"Bên cạnh việc trả lương cao, ổn định, việc được động viên khuyến khích, tạo môi trường làm việc tốt sẽ tạo động lực để bác sĩ gắn bó, cống hiến với cơ sở y tế đó"- đại diện này nhấn mạnh.

Trước làn sóng y bác sĩ bỏ bệnh viện công, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế...

Theo thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sỹ... ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế. Bộ Y tế cũng xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...

Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế... 

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn