MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bác sĩ tuyến Trạm y tế nghỉ việc, hoạt động khám chữa bệnh bị hạn chế

NGUYỄN LY LDO | 03/06/2022 17:50

TPHCM – Bác sĩ ở cơ sở y tế công nghỉ việc nhiều dẫn đến thiếu hụt bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị bệnh.

Tại TPHCM, số lượng bác sĩ và y tá trên đầu người thấp hơn đáng kể so với các hệ thống tương đương. Tỉ lệ nhân viên y tế/10.000 dân ở thành phố chỉ đạt 2,31; trong khi ở Hà Nội là 6,8 và trung bình cả nước là 7. Ở các nước phát triển, tỉ lệ này là 32-62 y bác sĩ. 

 Nhân viên y tế tại Trạm y tế đang làm nhiều đầu việc sau dịch COVID-19. Ảnh: NL 

Với những khó khăn về nhân lực như trên, công việc của nhân viên y tế ở các Trạm y tế tuyến phường, xã ngày càng nặng nề. Dịch COVID-19 giảm nhiệt, thu nhập cắt giảm chính là giọt nước tràn ly khiến số lượng nhân viên y tế nghỉ việc lớn. 

Đối với những bệnh viên trực thuộc TP, với số lượng bác sĩ, y tá nhiều nên việc nhân sự y tế nghỉ thì các bệnh viện có thể sắp xếp cầm chừng tiếp tục làm việc. Thế nhưng, đối với Trạm y tế tuyến phường xã thì điều này bất khả thi bởi vốn dĩ nhân sự ở đây đã ít nay lại càng ít hơn. 

Theo ghi nhận tại một số Trạm y tế ở các phường thuộc quận 10, TPHCM, không ít phường thiếu bác sĩ vì đã xin nghỉ việc. Việc này khiến người dân trên địa bàn có BHYT tại đây muốn đến nhận thuốc nằm trong danh mục được cấp thì không có người kê đơn, để có thuốc người dân phải ra ngoài mua hoặc tới bệnh viện. 

Một nhân viên y tế làm việc lâu năm tại Trạm y tế trên địa bàn quận 10 chia sẻ: "Trong đợt dịch COVID-19 toàn bộ nhân viên y tế ở đây đều căng mình phòng chống dịch bệnh, bây giờ một số Trạm y tế phường ở quận 10 thiếu bác sĩ kê toa. Còn tại trạm chúng tôi, có một bác sĩ đủ điều kiện kê đơn nhưng vì nghỉ sinh nên công tác này tạm hoãn".

Các Trạm y tế thời gian qua đã tiếp nhận sinh viên ngành y về thực tập và làm việc, nhưng chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt là có người làm phụ việc, về mặt chuyên môn vẫn không đảm bảo như bác sĩ hành nghề lâu năm. 

Để giải quyết tình trạng này, TP là địa phương đầu tiên chi hơn 138 tỉ đồng cho 310 trạm y tế trên địa bàn từ nay đến năm 2025 để thu hút nhân sự về làm việc.

Theo Nghị quyết của TPHCM có 3 nhóm nằm trong danh sách được nhận hỗ trợ là nhóm bác sĩ trẻ mới ra trường được hỗ trợ 60.000.000 đồng trong 18 tháng thực hành tại trạm; điều dưỡng, hộ sinh được hỗ trợ 30.000.000 đồng trong 9 tháng thực hành. Nhóm hai là người cao tuổi đã về hưu sẽ nhận 9.000.000 đồng mỗi tháng nếu là bác sĩ, 7.000.000 đồng nếu có chuyên môn y tế khác, từ trình độ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ. Nhóm thứ ba là nhân viên vệ sinh và bảo vệ - nhân sự mới được tuyển dụng, sẽ được hỗ trợ 5.500.000 triệu đồng mỗi tháng.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, sau dịch COVID-19 hệ thống y tế tuyến cơ sở bộc lộ rõ yếu kém về mọi mặt. TPHCM có những chính sách nhằm cải thiện tình hình là điều hợp lý.

Tuy nhiên, đối với những người hành nghề y, môi trường làm việc, cơ hội nâng cao tay nghề, chuyên môn, cơ hội tiếp xúc bệnh nhân đa dạng là điều cần thiết… Nếu cho người về làm việc ở tuyến cơ sở nhưng không có môi trường làm việc đáp ứng mong muốn và nhu cầu học hỏi chuyên môn thì việc nhân viên y tế lại nghỉ việc sẽ có khả năng tiếp diễn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn