MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bác sĩ vất vả điều trị sốt xuất huyết cho người lớn có bệnh lý nền

PHONG LINH LDO | 23/11/2023 18:28

Số lượng nhân viên y tế mỏng khiến y bác sĩ khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ) phải chia nhau theo dõi, điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết có bệnh lý nền.

Người bệnh lo lắng

Chăm sóc vợ nằm viện đã hơn 1 tuần tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nhưng ông Đoàn Thanh Hiệp (70 tuổi, quận Ninh Kiều) vẫn chưa hết bất ngờ bởi vợ ông đã lớn tuổi nhưng vẫn mắc sốt xuất huyết. Ông chia sẻ, từ trước đến nay chỉ nghĩ bệnh này phổ biến ở trẻ con do sức đề kháng kém, mặt khác, vợ chồng ông luôn chú ý vệ sinh cá nhân, nhà cửa để đề phòng.

"Ban đầu thấy vợ sốt, mệt mỏi, tôi mua tạm thuốc ở nhà thuốc cho vợ uống, 2 ngày sau thấy bệnh không thuyên giảm nên tôi đưa vợ đến bệnh viện xét nghiệm máu và được cho kết quả là sốt xuất huyết. Chúng tôi chăm sóc khuôn viên nhà rất kỹ, ăn uống hợp vệ sinh, ngủ mùng mà vẫn mắc bệnh, tôi rất hoang mang", ông Hiệp chia sẻ.

Ông Hiệp lo lắng khi vợ mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Phong Linh.

Bà Lương Kiến Hương - vợ ông Hiệp, là người có bệnh lý về xương khớp. Đó cũng là lý do bà lo lắng bệnh này sẽ nghiêm trọng hoặc tái nhiễm. "Đau đầu và lười vận động là biểu hiện cho thấy sự khác biệt giữa sốt xuất huyết và sốt thông thường. Sau khi xuất viện, tôi về nhà sẽ vệ sinh kỹ hơn, đặc biệt là những nơi chứa nước, tuy vậy, tôi không biết mình có bị tái nhiễm nữa hay không", bà Hương trăn trở.

Còn bà Thu Nga (45 tuổi, huyện Cờ Đỏ) cũng lo lắng không kém vì có bệnh nền đau huyết áp nay phải "gánh thêm" sốt xuất huyết. Bà chia sẻ: "Có hôm tôi sốt gần 39 - 40 độ và bị chảy máu chân răng. Mấy hôm nhập viện, tôi thấy trong người mệt mỏi hơn, đau tai, đau đầu, bác sĩ cho biết tôi nhập viện kịp thời, nếu không rất nguy hiểm. Hiện tại, điều tôi lo là mình có bệnh nền cao huyết áp, thời gian trị bệnh kéo dài".

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh.

Cảnh báo người trên 60 tuổi

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Trần Văn Phúc - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - thông tin: biểu hiện sốt xuất huyết ở người lớn là xuất huyết nhiều hơn, đặc biệt là ở đường tiêu hóa vì đa số bệnh nhân có bệnh lý nền. Ở người lớn ít diễn biến nặng, tuy nhiên, một khi đã nặng thì rất nguy hiểm do kèm theo cao huyết áp, suy tim hay các bệnh mãn tính khác.

"Công tác điều trị sốt xuất huyết ở người lớn cũng khó khăn hơn, chẳng hạn đối với cao huyết áp phải hạn chế truyền dịch hoặc khi vào giai đoạn sốc cũng vất vả.

Ở người lớn, khâu theo dõi phải sát, trong khi lực lượng y bác sĩ của khoa Truyền nhiễm tương đối mỏng. Trong đêm, nếu có 2 ca có diễn biến nặng cần cấp cứu thì chúng tôi rất vất vả. May mắn, hiện tại bệnh viện đủ lượng thuốc đủ điều trị", ông Phúc cho hay.

Cũng theo bác sĩ, người lớn khi bị sốt kéo dài cần phải đến bệnh viện để khám ngay. Nếu mắc sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ dựa trên một số tiêu chuẩn để cho bệnh nhân nhập viện. Sốt xuất huyết nhẹ cũng được khuyến cáo theo dõi tại nhà vì nhập viện sẽ gây quá tải. Lưu ý những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, thời gian sốt từ ngày thứ 4 đến 7, phụ nữ mang thai cần phải nhập viện.

"Qua nghiên cứu về sốt xuất huyết, hiện nay có 4 tuýp gây bệnh trên người, do dó trong đời người có khả năng mắc 4 lần, lần thứ 2 có khả năng bệnh nặng vì tích lũy cao hơn. Người dân không nên lơ là về trường hợp tái nhiễm", bác sĩ Phúc thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn