MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các y bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Linh

Băn khoăn về "tình huống cấp bách" trong mua sắm y tế

Thùy Linh LDO | 10/03/2023 18:38

Nếu không có hướng dẫn thế nào là tình huống cấp bách thì kể cả thông suốt tất cả các nội dung, việc mua sắm đầu thầu trang thiết bị y tế cũng không đơn giản, có thể kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn.

Cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa?

Sáng 10.3.2023, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Hướng dẫn triển khai Nghị định số 07/2023/ND-CP ngày 3.3.2023 và Nghị quyết số 30/NQ-CP tới các Sở y tế, bệnh viện cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã gỡ khó cho các cơ sở y tế trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, theo ông Diện, theo Điều 47, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong tình huống nào là tình huống cấp bách.

Thí dụ như việc thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế… liên quan đến hoạt động cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa? Bởi trong tình huống này thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu rút gọn. Nếu không có hướng dẫn này, kể cả thông suốt tất cả các nội dung thì việc mua sắm đầu thầu không đơn giản, có thể kéo dài từ 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn.

Với những vật tư, sinh phẩm dùng nhiều, thường quy nên thực hiện như thuốc biệt dược đàm phán giá, nếu đàm phán giá tập trung quốc gia, thì các địa phương dựa vào đó mua kịp thời mà không phải thông qua đấu thầu. Việc công khai giá toàn quốc sẽ rất thuận lợi cho quá trình mua sắm kịp thời bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.

Cần luật hóa các giải pháp tạm thời

Theo đại diện cho Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu tuần, Sở Y tế thành phố đã họp với các đơn vị y tế trên địa bàn, thì hầu như các Giám đốc bệnh viện cho biết Nghị quyết 30 và Nghị định 07 giải quyết 80-90% công tác mua sắm vật tư y tế.

“Nghị quyết 30 giải quyết thanh quyết toán chi phí bảo hiểm y tế với các thiết bị máy móc do nhà thầu cung cấp. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cần đưa nội dung này vào Luật Đấu thầu sửa đổi thời gian tới.

Hai năm qua, trong đợt dịch COVID-19, thành phố được viện trợ nhiều trang thiết bị y tế và những thiết bị này đã được phân về các đơn vị có nhu cầu sau đại dịch, nhưng khi sử dụng cho khám chữa bệnh, việc thanh toán bảo hiểm y tế rất khó khăn”, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nói.

Riêng về Nghị định 07/2023/NĐ-CP cũng giải quyết nhiều vướng mắc của doanh nghiệp liên quan kê khai giá, gia hạn giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, đơn vị bày tỏ đây chỉ là giải pháp tạm thời.

“Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quan tâm đến tình hình thiếu thuốc vật tư y tế trên địa bàn nên đã thành lập những nhóm báo cáo khẩn theo từng tuần. Sở Y tế sẽ có sơ kết sau 1 tháng triển khai Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ đánh giá tình hình vướng mắc trong triển khai thực tiễn”, vị này nói.

Đồng quan điểm này, Phó Giám đốc phụ trách công tác dược, Sở Y tế Thanh Hóa, mặc dù Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP giải quyết trước mắt tình hình mua sắm cho các đơn vị dễ dàng hơn nhưng địa phương đề nghị Bộ Y tế có cơ chế để việc mua sắm đấu thầu này thực hiện lâu dài hơn.

“Các sinh phẩm và hóa chất, vật tư theo máy độc quyền nên giao cho việc đàm phán giá, vì nếu đấu thầu sẽ gây khó khăn cho các cơ sở y tế. Khi tiến hành đấu thầu cũng gặp vướng mắc khi có nhiều doanh nghiệp đầu tuần đăng tải giá, cuối tuần lại không còn thấy đăng tải, thậm chí nhiều doanh nghiệp bí mật về giá”, đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho hay.

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị quyết 30/2023/NQ-CP giải quyết được tình trạng khẩn cấp thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn