MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ BV Bạch Mai (Hà Nội) điều trị cho trẻ được chuyển lên từ BV Sản Nhi Bắc Ninh sau vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong. Ảnh: BVCC

Báo động nhiễm khuẩn bệnh viện

THÙY LINH - LỆ HÀ LDO | 24/11/2017 08:00
Vấn đề dư luận hết sức quan tâm hiện nay là tình trạng nhiễm khuẩn BV hiện nay thế nào và các BV đã quan tâm đúng mức hay chưa tới công tác giám sát nhiễm khuẩn BV, khi chỉ có 35,29% số BV có bộ phận giám sát chuyên trách.

Trước đó, sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra tại BV Sản Nhi Bắc Ninh làm 4 trẻ sơ sinh tử vong, 19 bé khác rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn nặng được chuyển đến 3 BV lớn tại Hà Nội. 

Chưa quan tâm đúng mức công tác giám sát nhiễm khuẩn BV

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 100 người nằm viện thì có 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới, mà nguyên nhân một phần là do nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, đến năm 2016, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV đã giảm 2/3 so với năm 1999. Tỷ lệ nhiễm khuẩn BV hiện nay vào khoảng 5,8%. Mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn BV có giảm, nhưng các BV vẫn chưa quan tâm đúng mức công tác giám sát nhiễm khuẩn BV, chỉ có 35,29% số BV có bộ phận giám sát chuyên trách.

Tình trạng nhiễm khuẩn BV đang là nỗi lo lớn, đến từ nhiều nguyên nhân: Từ nhiễm khuẩn chéo là khi bệnh nhân tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh mới trong thời gian ở BV, từ nhân viên BV, bệnh nhân và môi trường.... Nhưng nhiều BV chưa biết rằng, tác nhân chính gây ra chính là những bàn tay nhiễm khuẩn của các nhân viên y tế.

Đối với vụ khiến 4 trẻ sơ sinh sinh non tử vong cách đây không lâu, theo quy định của Bộ Y tế, khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh, sinh non ở BV phải đảm bảo phòng đủ ấm cho trẻ, nhiệt độ khoảng 25-28 độ C, tránh gió lùa, có dụng cụ sưởi ấm. Nhân viên y tế, thân nhân, phải thay áo choàng, rửa tay, thay dép trước khi vào phòng trẻ.

Các cơ sở y tế có điều kiện cần bố trí đủ phòng cấp cứu, phòng thủ thuật, phòng thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (mẹ ôm bé da tiếp da, đặt con trong túi phía trước ngực mẹ). Khoảng cách giữa 2 giường bệnh phòng cấp cứu tốt nhất 0,9 m. Phòng chăm sóc trẻ phải có bàn để thực hiện các chăm sóc cần thiết, có góc để tắm trẻ, đèn sưởi ấm, đủ nước sạch, nước nóng, tốt nhất là có hệ thống nước nóng lạnh.

Đảm bảo vô khuẩn trong môi trường chăm sóc trẻ sinh non rất quan trọng, nhất là với thực trạng nhiễm khuẩn BV đang là vấn nạn toàn cầu, đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Tỷ lệ tử vong trong sốc nhiễm khuẩn có nhiễm khuẩn huyết trên thế giới rất cao, từ 40 đến 60% ở các nước phát triển và lên đến 80% ở các nước đang phát triển. BV Nhi TƯ trong những năm qua đã rất nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong sốc nhiễm khuẩn sơ sinh từ 75% xuống còn khoảng 50%.

Các bác sĩ chăm sóc cho các bé được chuyển lên từ BV Sản Nhi Bắc Ninh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Báo động vì bác sĩ ít... rửa tay

Theo ông Lê Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh - sau sự cố 4 bé sơ sinh tử vong sáng 20.11, BV đã cấy vi khuẩn các mẫu bệnh nhi, nhân viên y tế ở khu vực chăm sóc đặc biệt trẻ sinh non để tìm tác nhân gây nhiễm trùng và tình trạng nhiễm khuẩn. Thông thường thì sớm nhất 3 ngày sau khi cấy vi khuẩn mới có kết quả.

“Sau sự cố, ngày nào viện cũng cho cấy vi khuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn máy thở, lồng ấp, sàn nhà, bởi khi nguy cơ nhiễm khuẩn được xác định thì việc đảm bảo môi trường vô trùng phải đặt lên hàng đầu” - Ông Nam cho biết.

Theo Phó Giáo sư Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TƯ - trẻ chào đời dưới 37 tuần thai được xem là sinh non. Trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm khuẩn BV cao hơn trẻ bình thường.

Phó giáo sư Điển nhấn mạnh, việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất, vì thế, các BV giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo để phòng nhiễm khuẩn BV, cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt là vệ sinh tay.

Một vấn đề khác, đó là những nguy cơ nhiễm khuẩn từ BV lây lan ra cộng đồng. Nguyên nhân xuất phát từ thói quên rửa tay của các bác sĩ, y tá trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng: Việc nâng cao ý thức của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu. Bàn tay của nhân viên y tế cần đảm bảo sạch nhất, vì thế, các BV giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa tay sát trùng.

Tuy nhiên, việc thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở y tế tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, phụ thuộc không chỉ vào trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhất là thái độ, kiến thức, thói quen của nhân viên y tế. Đặc biệt, kiểm soát nhiễm khuẩn đều do BV tự bỏ kinh phí, không được tính vào BHYT.

Tần suất tuân thủ vệ sinh tay giữa bác sĩ, hộ lý, điều dưỡng, thì bác sĩ là nhóm có tần suất tuân thủ vệ sinh tay thấp nhất, trong khi hộ lý là nhóm tuân thủ cao nhất trong BV. Việc phòng chống nhiễm khuẩn BV trước hết cần sự thay đổi trong thói quen, nhận thức của chính những nhân viên làm trong môi trường BV, nơi hàng ngày, hàng giờ phải tiếp xúc với rất nhiều loại mầm bệnh và nhiều loại vi khuẩn khác nhau.

Trước sự nghiêm trọng của vụ việc, ngày 23.11, Bộ Y tế tiếp tục có công văn đề nghị các BV tuyến trung ương huy động tối đa nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao nhất; đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và thuốc để chăm sóc và điều trị các trẻ sơ sinh trong điều kiện tốt nhất, để đảm bảo an toàn cho các trẻ sơ sinh được chuyển từ Đơn vị Hồi sức sơ sinh thuộc BV Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh lên các BV Nhi TƯ, BV Phụ sản TƯ và BV Bạch Mai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn