MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm phòng là cách tốt nhất phòng chống bệnh bạch hầu. Ảnh đồ họa: T.Linh

Bệnh bạch hầu hoành hành, tiêm bổ sung vaccine hơn 1 triệu trẻ em 7 tuổi

Thùy Linh LDO | 06/07/2020 15:32
Trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vaccine uốn ván- bạch hầu (Td) phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, dự kiến số lượng là hơn 1 triệu trẻ em. 

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, dự kiến 1.005.583 trẻ.

Trong số 35 tỉnh được xác định có nguy cơ cao này có Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh. Đây là 4 tỉnh thành đang ghi nhận dịch bạch hầu từ đầu năm đến nay.

Dự kiến, đến năm 2022, hoạt động tiêm bổ sung vaccine Td sẽ được triển khai trong phạm vi trong toàn quốc.

Theo PGS Hồng, để chủ động phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại các vùng nguy cơ cao, từ năm 2019, vaccine Td bổ sung cho trẻ 7 tuổi đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Các bé chưa tiêm chủng, đã tiêm đủ 4 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu hoặc tiêm chưa đủ mũi sẽ được tiêm thêm một mũi vaccine bạch hầu miễn phí tại các trạm y tế xã, phường.

Những trẻ đã tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính... thì tạm hoãn tiêm.

Trước năm 1985 khi vaccine phòng bệnh bạch hầu chưa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc (với 4 mũi tiêm, hoàn thành trước 2 tuổi), mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc với hàng trăm ca tử vong.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay sau hơn 35 năm triển khai tiêm vaccine bạch hầu cho trẻ dưới một tuổi và 10 năm triển khai tiêm nhắc vaccine bạch hầu cho trẻ 18 tháng tuổi, mỗi năm nước ta chỉ ghi nhận vài chục trường hợp mắc bệnh này rải rác tại một số địa phương.

Trong những năm gần đây, cả nước ghi nhận một số ổ dịch bạch hầu nhỏ rải rác tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên như Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam… 

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phát hiện tổng cộng 49 ca nhiễm bạch hầu ở 4 tỉnh: Kon Tum (23 ca), TPHCM (1 ca), Gia Lai (10 ca) và Đắk Nông (15 ca). Trong đó, 3 bệnh nhi đã tử vong (Gia Lai: 1, Đắk Nông: 2)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn