MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh giang mai tăng: Dễ dãi trong quan hệ tình dục, nguy cơ mắc bệnh cao

NGUYỄN LY LDO | 26/10/2022 15:12
TPHCM – Bệnh giang mai được coi là căn bệnh phổ biến hiện nay và có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, 9 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 6.279 ca giang mai đến khám và điều trị, con số này vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo có thể vượt mức năm 2020 (là 6.734 ca). 

BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em – Phó Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, số lượt khám bệnh giang mai có xu hướng tăng mạnh từ 2.091 ca (năm 2014) lên đến 6.734 ca (năm 2020).

Riêng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng số ca bị giang mai vẫn ở mức 5.883 ca. Tính đến 9 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 6.279 ca giang mai đến khám và điều trị, con số này vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo có thể vượt mức năm 2020. 

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh giang mai do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn này được lây truyền chủ yếu qua 3 con đường: quan hệ tình dục, đường máu và đường mẹ sang con. Trong đó, thường gặp nhất vẫn là đường quan hệ tình dục không được bảo vệ bao gồm đường âm đạo, hậu môn và miệng. 

Cũng theo BS.CKII Đoàn Văn Lợi Em, xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc giang mai gần đây có thể là do các hành vi quan hệ tình dục nguy cơ cao có xu hướng gia tăng. Việc kiểm soát tốt HIV, bùng nổ Internet, mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò như hiện nay giúp các đối tượng dễ tiếp cận với nhau và việc tìm kiếm bạn tình cũng trở nên dễ dàng hơn.

Tỷ lệ mắc giang mai cũng được ghi nhận tăng mạnh trên đối tượng nam giới, đặc biệt là trên nhóm đối tượng MSM (quan hệ đồng giới). Báo cáo của Việt Nam gửi Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho thấy tỷ lệ nhiễm giang mai trên đối tượng MSM vào năm 2008 là 0,89%, nhưng vào năm 2018 là 6,7%. 

Riêng ở Bệnh viện Da liễu TPHCM, thống kê cho thấy tỷ lệ nam giới mắc giang mai chiếm đến 84,6%, trong đó ước tính có hơn 30% là đối tượng MSM. L‎ý do là nhóm đối tượng MSM thường có tần suất quan hệ tình dục cao hơn, thường quan hệ với nhiều bạn tình “lạ” hơn so với các đối tượng khác.

Bác sĩ Lợi Em nhấn mạnh, nhóm đối tượng này thường quan hệ qua đường miệng và hậu môn, đây là những con đường rất khó và hiếm khi sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su. Thậm chí, một số đối tượng còn có quan niệm sai lầm khi cho rằng quan hệ qua đường miệng và hậu môn là hành vi tình dục khác với quan hệ tình dục thông thường nên sẽ ít nguy cơ bị lây nhiễm bệnh hơn.

Một nguyên nhân khác có thể phần lớn bệnh giang mai không có triệu chứng hoặc triệu chứng không quá rầm rộ làm cho người bệnh không nhận biết kịp thời để đi khám bệnh. Nhiều trường hợp, bệnh chỉ biểu hiện với một vết loét duy nhất, nhưng do vết loét của giang mai có đặc điểm là thường không đau, không gây khó chịu nên nếu vết loét nằm ở vị trí khó quan sát như vùng hậu môn thì thường bị bệnh nhân bỏ sót. Sau một thời gian, vết loét cũng sẽ tự lành mặc dù không điều trị. 

Điều trị giang mai được điều trị theo phác đồ khuyến cáo của WHO với tiêm Benzathine penicillin G là lựa chọn đầu tay. Phác đồ điều trị này được đánh giá là rất hiệu quả, ít biến chứng và rẻ tiền. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn