MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Bệnh nhân chờ mổ là chuyện bình thường, không vui vẻ có thể đi viện khác"

Thùy Linh - Thiều Trang LDO | 04/08/2022 07:43

Bệnh viện quá tải, người bệnh chầu chực, chờ đợi hàng tháng trời để được mổ, ấy vậy mà Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong buổi làm việc với phóng viên báo Lao Động lại cho rằng chuyện bệnh nhân phải chờ mổ là chuyện bình thường, bệnh nhân vui vẻ thì có thể chờ, còn bệnh nhân không vui vẻ thì chuyển sang bệnh viện khác.

Sau phản ánh "Bệnh viện quá tải, người nằm bệt chờ khám, người đợi 3 tháng mới được mổ" của Lao Động về tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh diễn ra tại một số bệnh viện tuyến trung ương, lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng đại diện một số phòng ban của bệnh viện đã chính thức lên tiếng.

Chuyện bình thường, không vui vẻ thì chuyển sang bệnh viện khác

Tại buổi làm việc, bà Đào Thị Thanh Quỳnh- Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhiều lần khẳng định - trường hợp phải chờ mổ là chuyện bình thường, từ trước đến giờ vẫn thế. 

"Có nhiều lý do khiến bệnh nhân phải chờ mổ, trường hợp bệnh nhân đặt lịch mổ hay chờ một thời gian mới mổ là bình thường, từ trước đến giờ vẫn thế.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có quyền lựa chọn, nếu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đông, họ có thể chuyển qua bệnh viện khác. Ví dụ, bệnh nhân muốn mổ ở thời điểm A nhưng bệnh viện đã nhận bệnh nhân ở thời điểm A rồi, như vậy phải hẹn ở thời điểm khác. Bệnh nhân vui vẻ thì có thể chờ, còn bệnh nhân không vui vẻ thì chuyển sang bệnh viện khác, đây là chuyện rất bình thường".

Bà Quỳnh cũng nhấn mạnh, dù bệnh viện nhận được sự tin tưởng của người bệnh nhưng không đủ khả năng cũng không thể cáng đáng hết. 

"Nếu họ tin tưởng nhà em nhưng năng lực của nhà em chỉ có 10 bao gạo thì em không thể mang bao thứ 11 ra để đưa cho người khác" - bà Quỳnh ví von.

Bệnh nhân đang điều trị tại BV Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Sau phản ánh của báo Lao Động về tình trạng phải xếp hàng chờ mổ hàng tháng trời, nhiều bệnh nhân và người nhà phải chờ mổ tại một số bệnh viện tuyến trung ương đã góp thêm ý kiến.

Đa số bệnh nhân cho rằng, bệnh viện sắp xếp lịch mổ thì họ phải tuân thủ, tuy nhiên, những ngày tháng sống trong cảnh thấp thỏm chờ đợi mình có được bác sĩ cứu hay không, đối với họ như là một "cực hình". Có bệnh nhân tâm sự, họ còn mất ăn mất ngủ để chờ đến ngày mổ. 

Thực tế là vậy, thế nhưng những phát ngôn trên của bà Đào Thị Thanh Quỳnh- Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong buổi làm việc với phóng viên Báo Lao Động chiều 3.8 thể hiện sự vô cảm trước những khó khăn và vất vả của người bệnh. 

"Anh em phải làm tới 11h đêm, có ca mổ tới sáng hôm sau"

Tại buổi làm việc, PGS.TS Đào Xuân Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết, có rất nhiều lý do khiến bệnh viện quá tải. Một trong số đó là người bệnh tin tưởng tới khám ngày càng đông. Người bệnh tới khám đông đồng nghĩa với việc người có chỉ định mổ tăng, từ đó số lượng người chờ mổ cũng tăng. Trong khi thực tế công suất của bệnh viện chỉ có giới hạn nhất định.

"Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiện nay chỉ có 12 phòng mổ. Tối đa một ngày chỉ giải quyết được khoảng 90 bệnh nhân, trong khi đó trung bình một ngày có 110-120 bệnh nhân có chỉ định mổ, chưa tính cấp cứu. Anh em phải làm tới 11h đêm, có ca mổ tới sáng hôm sau" - PGS Thành nói.

PGS Lê Xuân Thành- Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y. Ảnh: Thùy Linh

Lý do tiếp theo là bác sĩ sẽ ưu tiên những ca cần mổ trước - ví dụ như những bệnh lí nặng nếu mổ muộn sẽ ảnh hưởng tới bệnh nhân, nên buộc phải ưu tiên. Những ca chưa thực sự nghiêm trọng sẽ phải lùi lại nên số lượng chờ mổ tích dần lên.

"Ví dụ khoa Chấn thương chỉnh hình số lượng chờ mổ hiện tại là hơn 100 bệnh nhân. Trong khi đó, bệnh viện có gần 10 chuyên khoa mà chỉ có 12 phòng mổ nên số lượng bệnh nhân chờ mổ đông" - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết.

Lý giải về trường hợp bệnh nhân bị trượt đốt sống phải chờ mổ đến 3 tháng, TS.BS Vũ Hoàng Phương- Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giải thích: "Mổ trong bệnh lí trượt đốt sống sẽ có điều trị nội khoa trước, ít nhất là 3 tuần nếu như không đỡ lại điều trị bằng phương pháp khác. Bệnh nhân không đỡ thì mới xét tới bước điều trị đau hay can thiệp bằng phẫu thuật.

Mỗi liệu trình sẽ có từng bước, không bệnh lí nào mà ngay lập tức bác sĩ đưa ra chỉ định mổ nếu như các biện pháp điều trị khác vẫn còn trong khả năng điều trị".

Lãnh đạo Bệnh viện nêu giải pháp giảm quá tải bệnh viện

Để giải quyết tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương, PGS.TS Đào Xuân Thành- Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.

Hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai bệnh án điện tử, thử nghiệm cấp phát thuốc tại giường - mục đích là rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.

PGS.TS Đào Xuân Thành cho biết, hiện nay bệnh viện đang ưu tiên phát triển hệ thống bác sĩ gia đình. Bệnh viện thành lập trung tâm Bác sĩ y học gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Nền tảng hoạt động là lưu trữ hồ sơ bệnh án đầy đủ, liên tục và có hệ thống. Thông qua dữ liệu lịch sử bệnh án, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán và tư vấn điều trị thích hợp. Theo đó, sẽ khám theo trình tự hẹn- đây cũng là cách để giải quyết tình trạng quá tải.

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn