MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh nhân đái tháo đường và những nguy hiểm tiềm ẩn dịp Tết

NGUYỄN LY LDO | 09/01/2023 06:28

TPHCM - Những ngày Tết, cuộc sống người bệnh đái tháo đường bị đảo lộn rất nhiều so với ngày thường: ăn, ngủ không đúng giờ, ăn vặt do phải tiếp khách liên tục, quên uống thuốc... Điều này tiểm ẩn nhiều rủi ro khiến bệnh trở nên nặng hơn. 

Vừa bước ra khỏi phòng khám, bà Huỳnh Thu (56 tuổi, ngụ tại quận 10, TPHCM) đã ghi nhớ hết lời bác sĩ chia sẻ về chế độ ăn uống của mình trong những ngày lễ, Tết sắp tới vì bà là một bệnh nhân đái tháo đường 3 năm nay, hàng tháng bà đều phải đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương kiểm tra đường huyết, tái khám cẩn thận. 

  Bà Thu khám bệnh và được bác sĩ tư vấn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mình. Ảnh: NGUYỄN LY 

“Vì tôi uống thuốc kiểm soát đường huyết thường nóng trong người, nên bác sĩ sẽ hỗ trợ thay đổi thuốc liên tục để giảm tình trạng này. Đồng thời, năm nào cũng vậy khi gần Tết đi tái khám bác sĩ dặn rất nhiều khi ăn uống, những biến chứng tôi gặp phải nếu không tuân thủ chế độ ăn uống, đường huyết lên cao thì sẽ nguy hiểm”, bà Thu chia sẻ.

Giống như bà Thu, bà Đỗ Phương (65 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) cũng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường từ năm 2017, kể từ đó bà luôn cố gắng tuân thủ uống thuốc đúng giờ, ăn uống đều đặn nhằm tránh tình trạng bệnh nặng hơn. 

“Tôi đã từng nhìn thấy nhiều bệnh nhân đến đây khám bị nhiễm trùng vết loét, cụt chi vì đái tháo đường. Nên tôi rất sợ mình bị vậy, ăn uống phải cố gắng tuân thủ hết mức. Tết đến có nhiều món ăn ngon hơn ngày thường nhưng phải kìm lại để khoẻ”, bà Phương chia sẻ. 

BS.CKI Lâm Vạn Phong - Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết, khi bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thường sẽ đối mặt với các nguy cơ biến chứng như mạch máu, suy thận, đột quỵ… Nếu bệnh nhân không thay đổi lối sống, tuân thủ điều trị, thay vì sẽ kéo dài sức khoẻ tốt 10-20 năm thì sẽ giảm nhanh khoảng 5 năm. 

Trong điều trị bệnh tiểu đường, ngoài uống thuốc và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt thì chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bệnh nhân không làm được, một phần khách quan là không muốn làm, phần còn lại không có điều kiện về thời gian, kinh tế nên không tuân thủ điều trị khiến bệnh trở nặng, biến chứng. 

  Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: NGUYỄN LY 

Cũng theo bác sĩ Vạn Phong, tâm lý của bệnh nhân mắc tiểu đường là sợ tinh bột, một khi cắt cơm là cắt giảm cả nhiều món ăn khác nữa. Chúng ta cần biết, một chế độ ăn cân bằng là cắt cái này thì phải bù cái khác, nếu không lâu dần bệnh nhân sẽ bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, gãy xương do cơ yếu, viêm phổi… nặng hơn có trường hợp phải đoạn chi vì biến chứng tiểu đường.  

Trong những dịp lễ, Tết chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường càng cần được chú trọng. Người bình thường ăn khoảng 200-250g trái cây mỗi ngày là đủ, riêng người bệnh tiểu đường nên chọn các trái cây ít ngọt, nhiều chất xơ như bưởi, ổi, mận, táo,… Ăn trái cây nguyên miếng sẽ tốt hơn xay nhuyễn hay chỉ ép lấy nước uống.

Đối với bánh mứt, người bệnh tiểu đường nên lựa các loại bánh, kẹo có chỉ số đường huyết thấp (GI < 50). Các loại hạt như hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, khi ăn thay thế sẽ tốt hơn các loại mứt.

Đặc biệt, cùng với chế độ ăn, người bệnh đái tháo đường phải uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, tránh mải vui mà quên thuốc hoặc có tâm lý “kiêng” uống thuốc vào ngày Tết sẽ rất nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn