MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh nhân ngộ độc Botulinum dùng thuốc giải quá trễ sẽ giảm hiệu quả

NGUYỄN LY LDO | 25/05/2023 11:52

TP Hồ Chí Minh - Bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc Botulinum đã tử vong trước khi dùng thuốc giải độc BAT. Các bác sĩ cho biết, đối với những bệnh nhân nhiễm kịch độc Botulinum cần dùng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm trong vòng 48 đến 72 giờ, bởi sau thời gian này thì tỉ lệ tử vong bệnh nhân vẫn rất lớn. 

Tối qua (ngày 24.5), thuốc giải độc BAT dành cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum đã về tới Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh), thế nhưng bệnh nhân 45 tuổi ngộ độc Botulinum vẫn không thể qua khỏi vì tình trạng bệnh đã nặng.

TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, thời điểm bệnh nhân tử vong đã là ngày thứ 13 nhập viện. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã nặng, được thở máy, yếu cơ và điều trị tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau đó, bệnh nhân biến chứng nặng và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. 

This browser does not support the video element.

Đánh giá tình trạng bệnh nhân sau 13 ngày nhập viện, TS.BS Công nhận định ca bệnh rất nặng vì ngộ độc kéo dài. Bệnh viện đã thông báo với Sở Y tế TP về tình trạng ngộ độc của bệnh nhân nhưng thời điểm đó nguồn thuốc BAT đã hết. Dù đã cố gắng kéo dài sự sống cho bệnh nhân, nhưng thuốc về tới bệnh viện thì bệnh nhân cũng không kịp để sử dụng. Đồng thời, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thuốc này được chỉ định sử dụng tốt nhất trong mọi giai đoạn, đặc biệt trước khi trở nặng nếu không sẽ mất hiệu quả nhiều. 

Phân tích về hiệu quả của thuốc BAT với kịch độc Botulinum nếu kéo dài thời gian điều trị, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Đơn vị Hồi sức chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc Botulinum là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và nan giải cho các bác sĩ điều trị. 

Trường hợp ngộ độc Botulinum mà có thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, và không phải thở máy. 

Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày, tức rất sớm sau khi ngộ độc, thì trong khoảng thời gian trung bình khoảng từ 5 đến 7 ngày bệnh nhân có thể hồi phục, bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường, sức khỏe ổn định nhanh chóng. 

Tuy nhiên, trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT kịp thời thì bệnh nhân phải có điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Bởi bệnh lý này sẽ làm cho tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ, không thể thở được và dễ dẫn tới tử vong.

TS.BS Hùng cũng nói thêm, trước đây, nếu chưa có hỗ trợ thở máy xâm lấn đường hô hấp thì bệnh nhân rất dễ tử vong. Còn ngày nay, việc điều trị nhờ có phương tiện hỗ trợ như thở máy vấn đề điều trị sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, kết quả cũng không được như mong muốn là sử dụng thuốc giải BAT kịp thời.

Bởi theo ghi nhận trên các y văn thế giới, không có thuốc giải độc BAT thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài từ 3-6 tháng và quá trình thở máy có rất nhiều biến chứng xảy ra. Ví dụ như nhiễm trùng thứ phát về đường hô hấp, suy dinh dưỡng do thở máy kéo dài, liệt hoàn toàn dẫn đến cắt mạch...

Chính vì vậy, phác đồ điều trị hiện nay Bộ Y tế đã đưa ra trong trường hợp có BAT hoặc không có BAT. Tuy nhiên, không có BAT thì bác sĩ điều trị phải đối diện với rất nhiều thách thức trong quá trình theo dõi, điều trị cho bệnh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn