MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Ảnh: Bộ Y tế

Bệnh nhân sốt xuất huyết không được truyền dịch khi chưa có chỉ định

Thùy Linh LDO | 22/06/2022 17:59

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế lưu ý bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không được truyền dịch khi chưa có chỉ định. Các cơ sở y tế phải tuân thủ chỉ định chuyển từ dung dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải theo hướng dẫn, khi người bệnh sốc.

Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao trong thời gian gần đây, ngày 22.6, Bộ Y tế tổ chức tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các cơ sở y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại buổi tập huấn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Mặc dù các cơ sở y tế đã được tập huấn nhiều lần về thu dung, điều trị sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chồng dịch, nhân viên y tế chưa kịp hồi sức, các cơ sở y tế không được chủ quan. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao vai trò truyền thông, hướng dẫn người dân nhận biết triệu chứng và điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Về chuyên môn, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê yêu cầu các cơ sở y tế đặc biệt là y tế tư nhân tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo phân độ tại Cẩm nang điều trị sốt xuất huyết.

"Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22.8.2019, không truyền dịch khi chưa có chỉ định. Tuân thủ chỉ định chuyển từ dung dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải theo hướng dẫn, khi người bệnh sốc. Khi sử dụng dung dịch cao phân tử trên phải theo dõi sát tình trạng đáp ứng điều trị và phát hiện sớm các diễn biến để kịp thời hội chẩn khoa, hội chẩn bệnh viện hoặc hội chẩn tuyến trên", Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh lưu ý.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.

PGS Lương Ngọc Khuê yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần củng cố và duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" và "Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Nhóm điều trị sốt xuất huyết bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu và khoa khám bệnh có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt về xử trí các trường hợp sốt xuất huyết do một lãnh đạo bệnh viện trực tiếp phụ trách để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị và chăm sóc sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

Theo phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm: Chảy máu (Các chấm hay đốm màu đỏ trên da; Chảy máu mũi, lợi; Nôn ra máu; Đi ngoài phân đen; Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo); Nôn liên tục; Đau bụng dữ dội; Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; Khó thở cần phải đưa tới cơ sở y tế kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn