MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ thăm khám bệnh nhi mắc bệnh TCM. Ảnh: NGUYỄN LY

Bệnh tay chân miệng bùng phát, nguy cơ thiếu thuốc rất cao

NGUYỄN LY LDO | 21/06/2023 07:27

Bệnh tay chân miệng (TCM), là bệnh hàng năm đến mùa lại xuất hiện, bệnh có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, năm nay biến chủng TCM nặng EV71 đã xuất hiện, cộng với việc trẻ sẽ “trả nợ hệ miễn dịch” sau đại dịch COVID-19 nên công tác phòng tránh càng cần được chú trọng. Thuốc điều trị cho bệnh TCM đang khan hiếm nên các bệnh viện đang phải dùng nhiều biện pháp thay thế.

Báo động số ca TCM nặng 

Tại BV Nhi đồng 2, Th.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng Khoa Nhiễm - cho biết, hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống.

So với mọi năm, những ca bệnh nặng (nhóm 2B) chiếm tỉ lệ cao hơn (20-25%) trong tổng số ca nhập viện. Hiện Khoa Nhiễm đang tiếp nhận và điều trị cho 45 bệnh nhi, trong đó có 10 trường hợp nặng. Đối với bệnh tay chân miệng 60-70% trẻ mắc bệnh có thể được điều trị ở nhà khi bé chỉ xuất hiện hồng ban ở lòng bàn tay, chân nhưng không sốt. Nếu trẻ sốt cao liên tục 39-40 độ kèm nôn ói, giật mình chới với nhiều... bắt buộc phải nhập viện để theo dõi. Lứa tuổi tập trung của bệnh TCM là dưới 5 tuổi, trong đó nhóm bệnh nặng, có triệu chứng thần kinh rơi vào độ tuổi dưới 3.

Trả nợ miễn dịch sau dịch COVID-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, hiện không thể lí giải nguyên nhân virus EV71 (gây bệnh TCM) tái xuất. Tuy nhiên, với các bệnh do virus không có vaccine phòng ngừa gây ra, thường chu kì 3 - 4 năm sẽ quay lại. 

Dịch bệnh TCM lần này đáng lo hơn, bởi nhiều bệnh lí khác như virus Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV hay viêm phổi đều khiến số ca mắc tăng nhiều.

Nguyên nhân là trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch COVID-19 trẻ phải ở trong nhà lâu nên khả năng miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm thường niên kém đi. Sau COVID-19, trẻ sinh hoạt cộng đồng bình thường tăng nguy cơ trẻ trả nợ miễn dịch rất lớn.

Theo chuyên gia này, trước đây, bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, trẻ lớn hơn cũng mắc bệnh. Điều này có nghĩa dù từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại.

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc điều trị TCM, bác sĩ Khanh cho biết, thuốc hiện nay có thể kéo dài hết tháng 10, nếu tháng 10 không được bổ sung thì chắc chắn sẽ thiếu thuốc tiếp, hoặc nếu bệnh nhi TCM tăng nhanh tiếp tục thì nguồn thuốc hiện còn chắc chắn không đảm bảo.

Do chưa có vaccine phòng TCM, nên phụ huynh được khuyến cáo hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh, trẻ cần được nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. 

Phụ huynh cần giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay, nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn