MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bệnh tay chân miệng vào mùa, người lớn không nên chủ quan

NGUYỄN LY LDO | 14/04/2022 17:06

TPHCM – Bệnh tay chân miệng đang bước vào mùa cao điểm. Đặc biệt, khi trẻ bắt đầu đi học trở lại, tỉ lệ mắc bệnh càng cao.

Vừa đi học được 1 tháng, con của chị Phạm Thị Bích Tuyền (huyện Hóc Môn, TPHCM), mới 28 tháng tuổi không may bị sốt, nổi các nốt nước ở miệng, chân và tay. Ngay sau đó, chị Bích Tuyền đã nhanh chóng đưa con đi khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng.

This browser does not support the video element.

“Sau khi biết con bị tay chân miệng, bác sĩ cho thuốc về nhà uống, nhưng bé vẫn sốt liên tục 38-40 độ nên tôi đưa con đi tái khám và nhập viện luôn. Bác sĩ nói để thêm ở nhà bé có thể bị co giật, sốc phản vệ”, chị Bích Tuyền chia sẻ. 

Trường hợp của con chị Bích Tuyền là một trong những trường hợp điển hình của trẻ mắc tay chân miệng. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, hiện có hơn 10 trẻ mắc tay chân miệng và được điều trị tích cực. 

ThS.BS Trần Ngọc Hạnh Đan – Khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết: “Trước đây khi học sinh chưa đi học trở lại, số ca mắc bệnh tay chân miệng rất ít. Nhưng thời gian gần đây, trẻ được đi học nên số ca bắt đầu tăng. So với mọi năm thì không tăng đột biến vì số lượng trẻ đến lớp đông đủ 100%”. 

Cũng theo BS Hạnh Đan, nhiều trường hợp khi bé nhập viện có sốt cao, nổi các ban nước đỏ, ngủ giật mình là những biểu hiện của bệnh tay chân miệng rất rõ. 

Hiện nay, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài những vaccine nằm trong chương trình mở rộng, thì có những siêu vi không có vaccine phòng ngừa. Vì thế, phụ huynh cần có những lưu ý như sau:

Cho bé chích đủ lịch tiêm vaccine đầy đủ nhằm phòng chánh những siêu vi khác. 

Theo dõi sát triệu chứng khi thấy trẻ có biểu hiện như: Trẻ bị sốt cao liên tục, mệt mỏi, đau họng, tổn thương, đau rát ở răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày cần đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. 

Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện muộn, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như:

Bị viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng), bệnh nhân cần nhập viện để được điều trị.

Các biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Đối với trẻ có biến chứng não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu ngủ, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân  run, co giật, sốt cao, méo miệng. Khi xuất hiện biến chứng trên nếu không phát hiện, điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì bệnh nhân cũng có thể bị bội nhiễm tại các nốt mụn trên da.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn