MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch Thường trực, Hội tim mạch học Việt Nam cập nhật những vấn đề nổi cộm về bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp tại Việt Nam. Ảnh: Vương Minh

Bệnh tim mạch, đái tháo đường... gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 22/11/2022 16:32
TPHCM - Theo GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội tim mạch học Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm gồm tim mạch, đái tháo đường và tuyến giáp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với tỉ lệ đến 81% tổng số ca tử vong.

“Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 81% tổng số ca tử vong, trong đó, tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi chiếm 41,3%”, GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch thường trực Hội tim mạch học Việt Nam cho biết bên lề sự kiện chương trình nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp cho cộng đồng và cán bộ y tế, diễn ra ngày 22.1 tại TPHCM.

Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), ở Việt Nam có 4,3 triệu người mắc đái tháo đường năm 2019 và dự kiến tăng lên 5,3 triệu người năm 2045. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi.

Ông Nguyễn Lân Việt cũng đưa ra con số cho thấy bệnh tim mạch chịu trách nhiệm cho 31% tổng số ca tử vong trong năm 2016 tương đương với hơn 170.000 tử vong. Theo kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam (STEPS), năm 2015, tỉ lệ tăng huyết áp trên người trưởng thành (18-69 tuổi) là 18,9%. Chỉ có 13,6% bệnh nhân tăng huyết áp là quản lý tại một cơ sở y tế. 

Tại Việt Nam, không có thống kê chung về các bệnh lý tuyến giáp. Tuy nhiên, một nghiên cứu của bệnh viện Ung Bướu TPHCM thực hiện cho thấy, tại TPHCM tỉ lệ ung thư tuyến giáp tăng lên rõ rệt trong giai đoạn 2011-2015 so với giai đoạn 1996-2000, cụ thể tăng từ 2,4/100.000 lên 7,5/100.000 người.

Trước thực tế đó, Hội tim mạch Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Merck Healthcare Việt Nam vào sáng 22.11, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về các bệnh tim mạch, đái tháo đường, tuyến giáp cho cộng đồng và cán bộ y tế.

“Bệnh không lây nhiễm nếu hiểu đúng về bệnh, mỗi người có thể tự phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc phải cũng như giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những căn bệnh này gây ra.

Việc nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng tránh cũng như sớm biết được những nguy cơ mắc bệnh để tự “quản lý” sức khoẻ của mình là vấn đề rất quan trọng, cần sự đầu tư lâu dài của toàn xã hội, hợp tác từ nhiều phía để đạt kết quả như mong muốn”, ông Nguyễn Lân Việt kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn