MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhi mắc TCM đang được điều trị. Ảnh: HƯƠNG SƠN

Bệnh viện áp lực khi số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đều tăng

HƯƠNG SƠN LDO | 08/08/2023 14:39

TP Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh gần đây, nhiều trẻ chuyển biến nặng phải thở máy.

Theo thông báo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ở tuần 30, số ca mắc bệnh TCM tiếp tục tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh, với 2.665 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,4 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.862 ca. Các địa phương có số ca mắc tăng cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Không chỉ bệnh tay chân miệng, thành phố cũng đang gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) khi trong tuần 30 ghi nhận 291 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 18,8% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc tăng cao bao gồm: Quận 1, huyện Bình Chánh và Quận 8.

Vì cùng thời điểm xuất hiện bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tạo áp lực cho công tác điều trị tại các bệnh viện, nhất là khi các ca bệnh trở nặng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, tiếp tục có diễn tiến xấu khi có nhiều bệnh nhi nhập viện phải thở máy.

Đơn cử trường hợp bệnh nhi T.N.Y (nữ, 5 tuổi, ngụ TPHCM) mắc bệnh tay chân miệng độ 4, nguy kịch. Qua khai thác bệnh sử, bé Y có biểu hiện đau đầu, sốt cao không hạ. Qua hôm sau, bé vẫn sốt cao, ngủ gà, run tay chân, giật mình nhiều lần khi thức, thở mệt, da nổi bầm tím toàn thân.

Gia đình đưa bé Y vào bệnh viện tuyến dưới, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4 và được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, sau đó nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Ngay lập tức, bé Y phải thở máy, truyền IVIg (Immunoglobulin), dùng các thuốc vận mạch, trợ tim và lọc máu liên tục.

Tuy nhiên, do tổn thương tim nặng (hoại tử tế bào cơ tim, men tim tăng >5.000 lần so với bình thường), bé bị loạn nhịp phức tạp, rơi vào cơn nhịp nhanh thất, ảnh hưởng huyết động. Các bác sĩ khẩn trương xử trí sốc điện nhiều lần, truyền thuốc chống loạn nhịp và hồi sức tim phổi ngoài lồng ngực nhưng không cải thiện.

Nhanh chóng, hội chẩn toàn viện được triển khai. Các bác sĩ thấy bé Y dù có tổn thương tim, phổi nặng nhưng vẫn có đáp ứng về thần kinh nên đã quyết định can thiệp ECMO cho bé. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khoẻ của bệnh nhi dần ổn định.

BS.CKII Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay, khoa là nơi tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng mức độ nặng. Các bé hầu như đáp ứng tốt với phác đồ điều trị hiện hành.

Liên quan đến vấn đề điều trị trong hoàn cảnh thiếu thuốc, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - cho biết, Thông tư 14 của Bộ Y tế quy định về nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở đã được mở rộng tạo thuận lợi rất nhiều, tuy nhiên thực tế các bệnh viện vẫn còn gặp nhiều cái khó.

Thứ nhất, hiện nay, bệnh viện vẫn chưa có nguồn cung về thuốc điều trị TCM. Thứ hai, nếu có nguồn cung cấp thì phải đấu thầu cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Bộ Y tế. Đó là lý do chính khiến nguồn thuốc điều trị bệnh TCM tại bệnh viện luôn cạn kiệt.

“Cần thiết có nguồn thuốc dự trữ cho những dịch bệnh đến hẹn lại lên, điều này nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhi”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn