MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Quân y 175 bị giả mạo. Ảnh: BVCC

Bệnh viện bất bình vì liên tục bị giả mạo

NGUYỄN LY LDO | 25/07/2023 17:55

TP Hồ Chí Minh - Giả mạo tên bệnh viện, biến tấu logo cho gần giống nhất với các bệnh viện lớn tại thành phố, bán thuốc mạo danh bệnh viện… đang được các đối tượng xấu trục lợi để lừa bệnh nhân.

Vừa qua, nhiều tài khoản mạng xã hội đã sử dụng các hình ảnh, logo, bài đăng và cả các từ khoá liên quan đến Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh để tạo niềm tin với bệnh nhân và trục lợi.

Cụ thể, các đối tượng để bán các sản phẩm thuốc đông y, nhận mình là bác sĩ đang công tác tại viện để lợi dụng, gây nhầm lẫn cho bệnh nhân khi tiếp xúc với các đối tượng này.

TS.BS Trường Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh, khẳng định việc lấy tên tuổi bác sĩ, hình ảnh viện, các sản phẩm thuốc để trục lợi cá nhân, lừa đảo người dùng mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Thậm chí, hành động này còn làm ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh.

Cùng chung vấn đề, Bệnh viện Quân y 175 cũng là nạn nhân của các trang web, Fanpage và nhiều nền tảng mạng xã hội khác giả mạo thương hiệu của bệnh viện để trục lợi.

Cụ thể, các đối tượng xấu sử dụng các từ khoá “Viện thẩm mỹ 175”, “Bệnh viện 175”… để quảng cáo và thu hút bệnh nhân đến khám.

Mới đây, Bệnh viện Quân y 175 đã bị một loạt các trang fanpage sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa của trang fanpage chính thức của bệnh viện. Thậm chí, còn có một số trang facebook giả mạo, lợi dụng danh tiếng của bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 để gây nhầm lẫn, trục lợi.

Đại tá Nguyễn Văn Tuấn - Chủ nhiệm chính trị, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định, việc mạo danh, giả mạo, lấy tên tuổi các bác sĩ và thương hiệu Bệnh viện Quân y 175 để trục lợi cá nhân, lừa đảo có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, thậm chí cả tính mạng người sử dụng dịch vụ, đồng thời, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. Người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt, dẫn tới “tiền mất, tật mang”.

Điều 197 Bộ luật Hình sự về Tội quảng cáo gian dối: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trường hợp việc mạo danh bệnh viện, bác sĩ như một thủ đoạn gian dối, tạo sự tin tưởng của người dân nhằm chiếm đoạt tài sản thì đối tượng vi phạm sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn