MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: NGUYỄN LY

Bệnh viện ở TPHCM cân nhắc chưa nâng giá dịch vụ, khám chữa bệnh

NGUYỄN LY LDO | 16/08/2023 17:38

TP Hồ Chí Minh – Sau khi Thông tư 13/2023/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành, nhiều bệnh viện tại thành phố đang triển khai kế hoạch điều chỉnh giá, nhưng có những bệnh viện cân nhắc chưa tăng vội giai đoạn này.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Hồ Chí Minh) hiện là bệnh viện hạng II của thành phố, với 560 giường bệnh đang hoạt động, tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế 20% và hàng nghìn bệnh nhân đến khám chữa bệnh mỗi ngày, nguồn kinh phí phải chi thường xuyên rất lớn.

Sau khi nhận được thông báo của Bộ Y tế về triển khai Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu chính thức có hiệu lực từ ngày 15.8, bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh viện vẫn giữ theo giá cũ, chỉ tăng thêm chất lượng các tiện ích để phục vụ người dân. Về cơ bản sau 2 năm đại dịch, người dân tại thành phố Thủ Đức vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đó, bệnh viện từng bước thay đổi và hiện tại vẫn đang giữ theo bảng giá cũ. Dự kiến từ 6 tháng đến 1 năm mới nghiên cứu để thay đổi.

Cũng theo bác sĩ Khanh, việc điều chỉnh mức giá khám chữa bệnh theo quy định hiện nay sẽ giúp các bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuyển dụng nhân lực điều dưỡng, bác sĩ để chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

Ghi nhận tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh là bệnh viện hạng 1, tự chủ 100%. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú hơn 142 lượt/ngày; nội trú 410 bệnh nhân/ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 2.289 lượt khám, chữa bệnh tại đây.

Sau khi Thông tư 13 có hiệu lực, bệnh viện đang triển khai rà soát để áp dụng theo khung giá mới.

Theo bà Đinh Thị Mai Hiền - Trưởng Phòng kế toán, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, hiện tại bệnh viện vẫn đang áp dụng theo khung giá cũ và lên phương án làm khung giá mới theo quy định.

Bệnh viện hiện tự chủ nhưng mức giá của bệnh viện vẫn đang nằm trong mức tối thiểu so với mức tối đa.

“Khi Thông tư 13 có hiệu lực, bệnh viện sẽ rà soát lại các danh mục để điều chỉnh, bởi hiện nay có rất nhiều dịch vụ kĩ thuật đã quá lâu chưa được điều chỉnh. Và chúng tôi sẽ căn cứ vào mỗi danh mục để điều chỉnh cho phù hợp. Số tiền điều chỉnh này sẽ được sử dụng thêm cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thiết bị kĩ thuật phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân”, bà Mai Hiền chia sẻ.

Cụ thể, theo Thông tư 13, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 (như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, 108…), giá tối thiểu là 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh khác giá tối thiểu là 30.500 đồng và tối đa là 300.000 đồng/lượt.

Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ: Đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Thông tư này cũng quy định khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), tối thiểu 180.000 đồng/ngày loại 1 giường/phòng, tối đa 4 triệu đồng/ngày loại 1 giường/phòng.

Loại 2 giường/phòng, giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 3 triệu đồng. Loại 3 giường/ngày, giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 2,4 triệu đồng. Loại 4 giường/ngày, giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 1 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn