MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân điều trị COVID-19 tại bệnh viện FV (quận 7, TPHCM). Ảnh: BVCC

Bệnh viện tư nhân “đuối sức” khi điều trị COVID-19

KHÁNH LINH - ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 17/09/2021 09:15
Nhiều bệnh viện tư nhân đang trở thành nguồn lực quan trọng giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế công trong việc thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, các bệnh viện này lại đang gặp vướng mắc khi phải bỏ ra số tiền đầu tư lớn cho hạ tầng, nhân lực điều trị mà không được cho phép thu phí dịch vụ tương ứng. Các cơ quan chức năng hiện vẫn đang trong quá trình xem xét để giải quyết vấn đề này.

Mong được cho phép thu phí

Theo ghi nhận của PV, hiện nay tại TPHCM đã có một số bệnh viện tư nhân tham gia điều trị COVID-19. Tuy nhiên, do các quy định hiện hành chưa cho phép thu phí điều trị, các bệnh viện tư điều trị COVID-19 vẫn đang tự xoay xở bằng các cách thức như vận động bệnh nhân đóng góp hoặc gồng mình điều trị miễn phí trong trường hợp bệnh nhân thực sự khó khăn. 

Đầu tháng 8, Bệnh viện FV (quận 7) đã chủ động đề xuất với Sở Y tế để bệnh viện này triển khai mô hình “bệnh viện tách đôi”, đến ngày 10.8, Sở Y tế TPHCM chính thức chấp thuận. Sau đó, khi Bộ Y tế kêu gọi cách bệnh viện tư nhân tham gia cùng điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bệnh viện này cũng đã tích cực hưởng ứng.

“Bộ Y tế kêu gọi các cơ sở y tế tư nhân chuyển đổi ít nhất 40% công năng để điều trị bệnh nhân COVID-19 và chúng tôi đã đáp ứng. Số lượng giường này lúc nào cũng kín bệnh nhân. Mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi khẩn thiết yêu cầu được vào điều trị, nhưng đành bất lực” - Đại diện Bệnh viện FV cho biết.

Tuy nhiên, hiện tại do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thu phí điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện FV vẫn thu phí điều trị cho mọi bệnh nhân theo cách tính phí của bệnh viện từ trước đến nay, và có chính sách hỗ trợ đối với những bệnh nhân có khó khăn.

“Khi nào có hướng dẫn cụ thể hơn thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn của các Bộ ngành liên quan” - Đại diện Bệnh viện FV chia sẻ.

Cũng là bệnh viện tư thu dung điều trị COVID-19 nhưng Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (Bình Chánh) đã chuyển đổi 100% công năng để nhận bệnh nhân mắc COVID-19 và chấp nhận không nhận các bệnh lý khác.

Ông Đặng Văn Thanh - Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, không được thu phí khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.

Bệnh viện chuyển đổi toàn bộ công năng để điều trị COVID-19 tức là chấp nhận rủi ro và không có nguồn thu nào. Hiện nay, bệnh viện phải liên tục gồng gánh trong việc mua các thiết bị máy móc và thuốc điều trị hỗ trợ như: Máy thở oxy dòng cao (HFNC), máy thở, máy ECMO, đồ bảo hộ, vật tư tiêu hao... 

Cùng với đó, chi phí vận hành cơ bản như thuê mặt bằng, lương nhân sự vẫn là một áp lực lớn. “Lương cho nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tăng lên gấp đôi do phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Bên cạnh đó, cơ sở y tế tư nhân còn phải chi trả những khoản vay, chi phí thuê mặt bằng... với số tiền rất lớn” - ông Thanh chia sẻ.

Hiện bệnh viện này đang điều trị cho khoảng gần 300 bệnh nhân COVID-19, tỉ lệ phải chuyển nặng sang hồi sức cấp cứu ở mức 10-15%.

“Nhiều trường hợp nặng vào ICU nên chi phí điều trị đội lên rất cao lên tới hàng trăm triệu để điều trị” - ông Thanh nói thêm.

Trong suốt thời gian qua Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn đang vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm để có chi phí điều trị cho người nghèo, giảm áp lực về chi phí cho bệnh viện. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này và người nhà của họ cũng đã chủ động chung tay ủng hộ.

“Chúng tôi công khai đi “xin”, đi kêu gọi ủng hộ từ phía mạnh thường quân và cả bệnh nhân nữa, huy động được đồng nào hay đồng đó. Có thể có người nhiều người nhìn vào với cặp mắt không thiện cảm nhưng mình chấp nhận để mình ráng cứu người” - ông Thanh chia sẻ.

Vướng mắc ở đâu?

Theo Sở Y tế TPHCM, trong số 95 cơ sở y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 của thành phố hiện nay có khoảng 10 bệnh viện tư nhân với hơn 1.300 giường bệnh. Các bệnh viện này đang gặp vướng mắc bởi chiếu theo các quy định hiện hành, bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị miễn phí. 

Ngày 24.8, UBND TPHCM có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Sau đó, vào ngày 1.9, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Y tế, trong đó cho biết, đề nghị của UBND TPHCM về việc chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện điều trị bệnh COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ điều trị tương ứng là chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm do COVID-19 là bệnh thuộc nhóm A, được miễn phí điều trị. 

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định các điều kiện, tổ chức điều trị bệnh và chi trả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở ngoài công lập.

Đến ngày 8.9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp tục có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo nội dung công văn, tại TPHCM thời gian qua có nhiều đơn vị y tế tư nhân đã tình nguyện đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc.

Cụ thể, nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được. Trong khi đó, nếu chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị những chi phí khác nhau giữa cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.

Để giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19, đảm bảo nguồn lực để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn