MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thùy Linh

Bệnh viện tuyến cuối, hạng đặc biệt nhưng vẫn thiếu thiết bị chẩn đoán

Thùy Linh LDO | 22/02/2023 07:04

"Chúng tôi ngày ngày đấu thầu, tuần tuần đấu thầu, tháng tháng đấu thầu... nhưng vẫn chưa đủ vật tư, thiết bị y tế để phục vụ cứu chữa người bệnh. Tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị y tế vẫn đang tồn tại".

Thiếu rất nhiều thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho chẩn đoán và điều trị

Thời gian qua, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đã khiến cho nhiều bệnh nhân khốn đốn trong cơn ốm đau bệnh tật, công việc của các y bác sĩ cũng bị ảnh hưởng lớn, các bệnh viện quay cuồng tìm giải pháp.

"Mặc dù, lãnh đạo bệnh viện đã rất tích cực tìm giải pháp. Chúng tôi ngày ngày đấu thầu, tuần tuần đấu thầu, tháng tháng đấu thầu... nhưng vẫn chưa đủ vật tư, thiết bị y tế để phục vụ cứu chữa người bệnh. Tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị vẫn đang tồn tại" - một cán bộ quản lý về trang thiết bị, vật tư y tế tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với phóng viên Lao Động. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, tình trạng này không chỉ diễn ra tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương mà cả các cơ sở y tế tuyến dưới cũng đang trong tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Bệnh viện cho biết bệnh viện vẫn đang rất khó khăn trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

“Hiện chúng tôi đã thiếu tất cả các máy phục vụ cho điều trị, trong đó trầm trọng nhất là thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh, thiết bị điều trị ung bướu, trong khi hàng ngày phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân” - vị này nói.

Trong khi đó, cách đây 2 tuần máy X-quang chụp tuyến vú của bệnh viện đã hỏng hẳn sau nhiều lần sửa chữa, khắc phục. Để thay tấm cảm biến cho máy X-quang này bệnh viện phải có 3 báo giá, tuy nhiên chỉ có 1 nhà sản xuất loại tấm cảm biến cho thiết bị này do đó hiện tại chưa có đủ 3 báo giá.

Hiện bệnh viện vẫn chưa có giải pháp để khắc phục. Đây cũng là tình trạng mà nhiều bệnh viện đang vướng phải.

“Với số lượng bệnh nhân khoảng 5.000- 7.000 bệnh nhân/khám mỗi ngày, việc máy hỏng hóc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh” - đại diện bệnh viện nói.

Trong khi đó, tình trạng tại Bệnh viện Việt Đức cũng không khả quan hơn. Tại báo cáo gửi Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế, Bệnh viện Việt Đức cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến 31.12.2023 chưa được phê duyệt, điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế...

Bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...

"Hiện tại, hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng 1 tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh" - báo cáo này nêu.

Đề nghị đưa trang thiết bị, vật tư vào diện quản lý giá

Lãnh đạo Bệnh viện cũng cho biết hiện bệnh viện rất khó khăn trong việc xây dựng giá kế hoạch, theo quy định tại Thông tư 68/2022/TT-BTC cơ sở để lập giá gói thầu phải căn cứ vào ít nhất một trong số các tiêu chí như 3 báo giá, kết quả thẩm định giá hoặc giá trúng thầu hàng hóa tương tự trong thời hạn 90 ngày.

Ngoài ra, bệnh viện cũng rất cần có thông tin giá tham khảo công bố trên phương tiện chính thống để làm cơ sở cho các bệnh viện so sánh khi xây dựng giá. 

Thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, người bệnh sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Ảnh: Thùy Linh

Nói về những khó khăn trong việc đấu thầu, mua sắm liên quan đến xây dựng giá thiết bị y tế, vật tư y tế hiện nay lãnh đạo bệnh viện bày tỏ mong muốn mua được máy để phục vụ người bệnh với giá hợp lý, an toàn, nhà nước cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này.

Để giải quyết vấn đề “thổi giá” thiết bị y tế như đã từng xảy ra thời gian qua, đại diện bệnh viện này đề nghị đưa trang thiết bị, vật tư vào danh sách mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá, đồng thời có quy định về “giá trần”, tức là cho phép lợi nhuận trong khung giá nhất định, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp và cơ sở y tế mua được thiết bị mà không lo bị “thổi giá”, cũng như liên đới đến pháp luật.

"Chỉ khi nào trang thiết bị, vật tư y tế được quản lý giá giống như thuốc, thì chúng tôi mới có thể giảm bớt áp lực trong việc đấu thầu mua sắm" - cán bộ bệnh viện này nói thêm, đồng thời cho rằng, mua sắm tập trung cũng là một trong những giải pháp có thể nghiên cứu cho vấn đề này. 

Trước đó, tháng 8.2022, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng lên tiếng về tình trạng thiếu vật tư y tế, máy móc xét phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện hạng đặc biệt này, thế nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết. 

Nếu không sớm có giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này, đối tượng chịu hậu quả nhiều nhất chính là các bệnh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn