MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị "bệnh ảo" khi quy tất cả do hậu COVID-19

NGUYỄN LY LDO | 08/04/2022 13:52

TPHCM - Hoang mang, hồi hộp, mất ngủ... nhiều bệnh nhân F0 sau khi khỏi bệnh gặp phải và nghĩ mình mắc hậu COVID-19 nên đi khám. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không ít bệnh nhân đang bị "bệnh ảo" mắc bệnh khác nghĩ do hậu COVID-19. 

Từ sáng sớm, ông Nguyễn Minh Tuấn (55 tuổi, tỉnh Tây Ninh) lên TPHCM để khám bệnh vì nghĩ mình bị hậu COVID-19. “Tôi bị mắc COVID-19 được hơn 1 tuần rồi hết, nhưng sau đó tôi liên tục có những triệu chứng như hụt hơi, khó thở và cả nhà tôi đều nói tôi bị mắc hậu COVID-19. Hôm nay con tôi đưa đến bệnh viện khám, sau khi chụp phổi, các loại xét nghiệm kết quả không bị sao, tôi nghĩ chắc tôi đã lo lắng thái quá”, ông Minh Tuấn chia sẻ.  

Bệnh nhân đi khám bệnh kiểm tra sức khoẻ sau khi là F0. Ảnh: N.L 

Không chỉ có ông Minh Tuấn, mà bà Trương Thị Lam (54 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) đột ngột mất trí nhớ. Bà được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám vì nghĩ mình mắc hậu COVID-19. Tại bệnh viện, sau khi thực hiện các xét nghiệm, bà được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer và được điều trị tiếp tục. 

Theo BS.CKII Phạm Minh Thành, Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cho biết, không phải ai nhiễm bệnh cũng bị hậu COVID-19, đặc biệt, với biến chủng Omicron, hậu COVID-19 không còn đáng sợ như biến chủng Delta.

"Nhiễm siêu vi nào cũng vậy, giả sử sốt phát ban ảnh hưởng ngoài da sau khỏi sẽ hết, sốt do xuất huyết sẽ biến chứng gan, còn virus SARS-CoV-2 biến chứng lên phổi (thường gặp ở bệnh nhân mắc biến chủng Delta). Với biến chủng Omicron cũng có nhưng rất ít gặp tổn thương phổi. Triệu chứng thường gặp sau COVID-19 ở biến chủng Omicron chủ yếu mang hình thái rối loạn cảm xúc lo âu là chủ yếu" - BS Thành cho biết.

Theo BS Thành, nhiều bệnh nhân đến khám và cho rằng mình mắc hậu COVID-19 với những triệu chứng rất mơ hồ. Tuy nhiên khi thăm khám, xét nghiệm đều không có tổn thương thực thể. Các trường hợp này chủ yếu điều trị tâm lý như động viên, chia sẻ hoặc dùng thuốc để họ vượt qua cảm giác lo sợ.

Đồng quan điểm, BS Đinh Quang Thanh - Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM (quận 8) cho biết,  trên hệ thần kinh của con người có hệ thần kinh trung ương (hệ thần kinh điều khiển được) và hệ thần kinh tự động (hệ thần kinh không điều khiển được). Khi hệ thần kinh tự động bị kích thích sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng, càng lo lắng nhiều thì càng bị kích thích nhiều.

"Ví dụ, khi bị mắc COVID-19 nhiều bệnh nhân lo lắng, căng thẳng (stress). Do đó, các triệu chứng bị “ám ảnh” như nếu kích thích ở vùng tim sẽ mệt ở vùng tim, tim đập nhanh,...; kích thích vỏ não sẽ khiến ngủ không sâu, không tập trung... Những yếu tố trên khiến người bệnh liên tưởng đến hậu COVID-19 ", BS Thanh lý giải.

Hiện tại, ở TPHCM biến chủng Omicron chiếm ưu thế (80-90%), chủ yếu người bệnh có các triệu chứng nhẹ. Nếu lo lắng thì có thể đo Sp02, khi các chỉ số bình thường (97-99%) thì chắc chắn không ảnh hưởng phổi, đây là điều đơn giản để biết mình có nên gặp bác sĩ thăm khám hay không. Tuy nhiên, để không bỏ sót thì cần quan sát nếu có các triệu chứng dai dẳng bất thường thì đến bệnh viện để được kiểm tra. 

Riêng đối với những bệnh nhân mắc bệnh nền (đái tháo đường, huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, nội tiết...), nếu khi khỏi COVID-19 cần tiếp tục theo dõi, điều trị bệnh nền định kỳ theo phác đồ của bác sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn