MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ tư vấn, thăm khám da cho người bệnh. Ảnh: Thanh Chân

Biến chứng nghiêm trọng vì điều trị cằm đôi ở spa không phép

Thanh Chân LDO | 11/06/2024 09:00

Hiện nay, nhiều người có nhu cầu điều trị nhằm giảm hoặc biến mất mỡ vùng cằm (thường được gọi là cằm đôi) giúp khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp gặp các biến chứng như loét, hoại tử vùng tiêm, u hạt, viêm mô mỡ, áp xe nhiễm trùng do điều trị tại các cơ sở y tế hoặc spa không được cấp phép, tiêm vào các vùng nguy hiểm…

Một bệnh nhân nữ 60 tuổi (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đến một spa tại TP Đà Lạt để tiêm thuốc nhằm tan mỡ vùng nọng cằm.

Sau khi tiêm 2 tuần, nốt tiêm sưng nề, sờ đau. Bệnh nhân sử dụng thuốc nhưng không giảm và đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô mỡ dưới da sau tiêm tan mỡ nọng cằm.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 34 tuổi đến một spa ở tỉnh Đồng Nai để tiêm tan mỡ không rõ loại vào vùng cằm đôi. Sau khi tiêm 2 ngày, bệnh nhân cảm thấy sưng đau, nóng rát vùng tiêm. Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân có những ổ tụ dịch tại vùng nọng cằm, được chẩn đoán viêm áp xe sau tiêm tan mỡ điều trị cằm đôi.

Sau khi tiêm chất làm đầy vùng cằm tại nhà, bệnh nhân nữ 23 tuổi (tỉnh Cà Mau) bị sưng đau vùng cằm, điều trị thuốc không giảm. Bệnh nhân đã tiêm giải nhiều lần nhưng vẫn còn sưng đỏ kéo dài.

Bác sĩ Lư Huỳnh Thanh Thảo - Khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận nhiều ca tai biến, trong đó có các ca điều trị cằm đôi bằng phương pháp tiêm tan mỡ, tạo hình cằm bằng tiêm chất làm đầy. Bệnh nhân có tình trạng loét, hoại tử vùng tiêm, u hạt, viêm mô mỡ, áp xe nhiễm trùng…

Các nguyên nhân có thể dẫn đến tai biến như bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở y tế hoặc spa không được cấp phép do người tiêm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật tiêm không đúng, tiêm vào các vùng nguy hiểm hay không đảm bảo quy tắc vô khuẩn khi điều trị… Cằm đôi là tình trạng vùng dưới cằm trở nên đầy hơn, xuất hiện một nếp gấp da giữa mặt và cổ, góc cổ mở rộng hơn 120 độ và thường đi kèm mất đường viền của đường viền hàm dưới và góc hàm.

Theo bác sĩ Thanh Thảo, với lý do thẩm mỹ, hầu hết các đối tượng cả nam và nữ có cằm đôi đều có nhu cầu điều trị nhằm giảm hoặc biến mất vùng dư thừa này giúp khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn.

Các phương pháp điều trị hiện nay như tiêm tan mỡ, phẫu thuật, sử dụng các thiết bị phát năng lượng nhằm làm giảm mỡ cũng như săn chắc da. Tuy nhiên, mất nhiều thời gian và hiệu quả qua nhiều lần điều trị, cần có thời gian nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, kỹ thuật tiêm chất làm đầy được biết đến như phương pháp bồi hoàn thể tích vùng mô thiếu hụt hay giúp tạo đường nét, nâng đỡ trẻ hóa khuôn mặt có thể được sử dụng điều trị tình trạng cằm đôi. Đặc biệt, ở những bệnh nhân cằm ngắn cho hiệu quả nhanh chóng ngay sau điều trị.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân có nhu cầu làm đẹp bằng tiêm chất làm đầy, nên lựa chọn cơ sở làm đẹp có uy tín, được cấp phép, bác sĩ thực hiện phải được đào tạo bài bản để đạt kết quả thẩm mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn