MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cha mẹ bàng hoàng biết con gái 6 tuổi đã dậy thì. Ảnh đồ họa: Phạm Công

Bố mẹ ngỡ ngàng vì con gái dậy thì quá sớm

Phạm Công LDO | 21/12/2020 15:23

Nhận kết quả con gái 6 tuổi dậy thì sớm, vợ chồng chị T (ở Hà Nội) không khỏi bàng hoàng vì điều này. Sự phát triển nhanh chóng về thể chất ở trẻ em đang trở thành nỗi lo sợ với nhiều cha mẹ, bởi tình trạng này rất dễ ảnh hưởng tới tâm sinh lý của con trẻ.

Kinh ngạc cao 8cm trong vòng 6 tháng

Bé gái N.H.M 6 tuổi (ở Ba Đình, Hà Nội) đi cùng bố mẹ tới Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) MEDLATEC khám với lý do khoảng hơn 1 năm nay gia đình thấy trẻ có biểu hiện vú 2 bên to bất thường. So với bạn bè đồng trang lứa, bé M cao vượt trội hơn và đặc biệt trong vòng 6 tháng bé cao thêm 8cm, ngoài ra chưa có thêm dấu hiệu bất thường nào.

Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, BVĐK MEDLATEC cơ sở 2 trực tiếp khám lâm sàng nhận định tình trạng bệnh, bé M đã được thực hiện xét nghiệm đánh giá hormone nội tiết; chụp X-quang tuổi xương; siêu âm vú, ổ bụng, tử cung vòi trứng tìm bất thường.

Kết quả xét nghiệm các hormone hướng dục (LH huyết thanh, Prolactin, Estradiol, FSH, TSH) và chẩn đoán thăm dò chức năng chỉ ra rằng bé M dậy thì sớm hơn các bạn đồng trang lứa. Bệnh nhân được bác sĩ Ngọc tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập đồng thời tư vấn những lưu ý cho phụ huynh khi trẻ bắt đầu dậy thì.

Khi nào trẻ được coi là dậy thì sớm?

Giai đoạn dậy thì ở trẻ giống như một chuyến “tàu lượn siêu tốc” với những sự thay đổi thất thường, nhanh chóng về cảm xúc, thể chất lẫn hành vi của trẻ. Điều đáng nói là nếu trẻ bước vào tuổi dậy thì khi còn quá nhỏ thì mọi vấn đề càng trở nên rắc rối và phức tạp hơn. Đây cũng là nỗi ám ảnh của không ít bậc phụ huynh học sinh.

Dậy thì sớm là sự phát triển đặc tính sinh dục trước 9 tuổi ở bé trai và trước 8 tuổi ở bé gái (hoặc có kinh nguyệt trước 9,5 tuổi ở trẻ gái). Những năm gần đây, tỉ lệ bé gái dậy thì sớm gia tăng, chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng bệnh lý này, bác sĩ Ngọc cho biết:

Dậy thì sớm ở trẻ em được phân loại thành dậy thì sớm trung ương (tức dậy thì sớm thực sự): Do hoạt động sớm của trục hạ đồi - tuyến yên - sinh dục, phụ thuộc hormone hướng sinh dục.

Dậy thì sớm ngoại biên (hoặc dậy thì sớm giả): Độc lập với sự kích thích của tuyến yên và không phụ thuộc hormone hướng sinh dục.

Dậy thì sớm 1 phần (không hoàn toàn): Phát triển sớm và riêng lẻ 1 đặc tính sinh dục thứ phát.

Dậy thì sớm nhanh: Thường gặp ở trẻ gái 8-10 tuổi có cân nặng và chiều cao tiến triển nhanh so với tuổi và ít ảnh hưởng chiều cao cuối cùng nếu có kinh nguyệt sớm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em như yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sống trong gia đình,… và các bệnh lý khác của cơ thể. Trong đó, nguy hiểm nếu nguyên nhân từ u não, u ác tính tuyến sinh dục,…

Theo bác sĩ Ngọc, trẻ dậy thì sớm nhưng kiến thức lại chưa đầy đủ nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Các bậc phụ huynh cần lưu ý giai đoạn này của trẻ để nhận biết sớm dấu hiệu dậy thì, từ đó có phương pháp giáo dục trẻ phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn